Phát hiện và tịch thu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vận chuyển qua địa bàn
Quản chặt thị trường tại địa bàn cố định
Điểm thuận lợi là tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong năm 2019 tương đối ổn định. Giá cả hàng hóa không có biến động lớn, không xảy ra tình trạng “sốt” giá, lượng hàng hóa phong phú, luôn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đến thời điểm này, tại các chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh bắt đầu nhập hàng và đưa ra thị trường các mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Riêng giá thịt lợn trong những tháng cuối năm tăng cao do ảnh hưởng các đợt dịch tả lợn châu Phi, song không xảy ra tình trạng đầu cơ, khan hàng.
Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - ông Nguyễn Như Nhân cho biết, từ đầu tháng 12/2019, Cục QLTT mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Mục đích của đợt cao điểm nhằm theo dõi tình hình thị trường để chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến bất thường có thể xảy ra trong giai đoạn trước, trong và sau tết, góp phần ổn định thị trường. Trong đó, tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm đếm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn tuồn vào thị trường
Theo ông Nguyễn Như Nhân, mũi nhọn của đợt cao điểm này là chú trọng kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ lớn, siêu thị, trung tâm thương mại, kho chứa hàng đông lạnh, những cơ sở chế biến thức ăn chín; các cơ sở nhập khẩu, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố. Trong đó tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tết như rượu, bia, nước giải khát, sữa, bánh, kẹo, mứt, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột, lương thực, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.
Đến nay, các Đội QLTT trực thuộc đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, ký cam kết “không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết" đến các tiểu thương, hộ sản xuất, kinh doanh, nhằm ổn định thị trường, tạo văn minh trong thương mại.
Nắm bắt tình hình thị trường hiện nay, lực lượng QLTT đã phối hợp với lực lượng thú y trực tại 2 chốt kiểm dịch động vật ở Phong Điền và Phú Lộc để kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ để giám sát hàng hóa kinh doanh đảm bảo có con dấu xác nhận, rõ nguồn gốc, chất lượng.
Kiểm tra, kiểm soát trên tuyến
Năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.237 vụ, trong đó đã xử lý 1.751 vụ vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, chủ yếu là áo quần, giày dép, mỹ phẩm, thuốc lá...
|
Hiện nay, các loại hình vận chuyển hàng hóa phát triển mạnh trên tất cả các tuyến: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển… Do đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại gia tăng về quy mô và tinh vi hơn.
Hàng cấm, hàng nhập lậu được vận chuyển qua địa bàn tỉnh bằng nhiều thủ đoạn: sử dụng biển số xe giả để thay đổi khi vận chuyển; sử dụng xe không chính chủ (thuê xe, mượn xe) để vận chuyển hàng hóa nhập lậu với số lượng lớn; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, vận chuyển hàng hóa vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ.
Đối mặt với hoạt động kinh doanh hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra tại địa bàn cố định và trên khâu vận chuyển, tập kết ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thời gian qua, hoạt động quản lý thị trường đã có nhiều đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các công tác như: quản lý, chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền; phối hợp; kiểm tra xử lý vi phạm.
Những tháng cuối năm thường là lúc cao điểm của hoạt động mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng lậu để trà trộn, tuồn hàng vào thị trường nội địa. Nhằm kiểm soát tốt thị trường, các Đội QLTT địa bàn và cơ động chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ. Trong đó, tập trung vào các đối tượng đầu nậu, những đường dây vận chuyển, điểm tập kết, phát luồng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Trước đó, Cục QLTT đã tiến hành ký các quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với các đơn vị trên địa bàn quản lý như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Hải quan... Các Đội QLTT trực thuộc đã ký quy chế phối hợp công tác với các phòng kinh tế hạ tầng các huyện, phòng kinh tế các thị xã, TP. Huế và ban quản lý các chợ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: Hoài Thương