Có vẻ như Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương ít ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19. Tại sao vậy? Tại vì kinh tế vẫn phát triển. Theo số liệu được UBND tỉnh công bố, dự kiến 9 tháng của năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 41.412,77 tỷ đồng (theo giá hiện hành); tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 5,12%. Chỉ có lĩnh vực du lịch được ghi nhận là ảnh hưởng nặng, còn các lĩnh vực khác vẫn phát triển tương đối tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,22% so với cùng kỳ; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng ổn định; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.375,2 triệu USD, tăng 36,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.945 tỷ đồng, tăng 3,5% .
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 5% so với cùng kỳ
Trong điều kiện bình thường như những năm trước đây, kinh tế Thừa Thiên Huế bao giờ cũng ở mức tăng trưởng trên trung bình của cả nước. Năm nay, tuy mức tăng trưởng thấp hơn nhưng so với cả nước thì mức tăng trưởng vượt xa. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quốc gia 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,42%; riêng trong quý III ở mức âm 6,17%. So sánh với một số tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế vẫn có mức tăng khá. Ví dụ như Đà Nẵng 6 tháng đầu năm GRDP chỉ tăng 4,99%, Khánh Hòa tăng 0,49%...
Ít nhất, con số tăng trưởng GRDP nói trên cho thấy, nền kinh tế của Thừa Thiên Huế có độ mở không cao. Hay nói cách khác, nền kinh tế chủ yếu là “hướng nội”.
Thực tiễn chứng minh, một nền kinh tế muốn phát triển nhanh thì chủ yếu phải “hướng ngoại”, tức là tăng cường thu hút đầu tư và xuất khẩu. Những nền kinh tế lớn đều đi theo hướng này. Xét ở một khía cạnh nào đó, phát triển mạnh du lịch cũng là xu hướng kinh tế hướng ngoại.
Về thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước Thừa Thiên Huế làm khá tốt, tạo được cơ sở hạ tầng “trong và ngoài hàng rào” ở các khu công nghiệp; tích cực cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ nhà đầu tư; tăng cường công tác giới thiệu, tiếp thị, chào mời. Thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư… nên nhà đầu tư đến ngày càng nhiều hơn. Ví dụ như trong năm 2020, riêng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh đã tiếp xúc làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa kỳ, Thái Lan và kết quả là thu hút được 7 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 3.161 tỷ đồng. Trên địa bàn tại các khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút được 150 dự án với vốn đăng ký hơn 106.000 tỷ đồng. Điều đáng mừng có một số dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Trong năm 2020, chỉ 6 dự án ở dạng này đã tăng nguồn vốn hơn 2.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên có một điều cũng cần nhìn nhận, đó là phần lớn các dự án đầu tư quy mô còn nhỏ nên tạo ra “sức bật kinh tế” chưa cao. Nếu tính bình quân thì mỗi DN đầu tư vào Thừa Thiên Huế hơn 700 tỷ đồng nhưng tính “nhóm dưới”, là số đông, gồm 101 dự án thì vốn đăng ký chỉ 24.236 tỷ đồng, tức là mỗi DN mới gần 240 tỷ đồng. Trong khi so sánh với DN nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì nguồn vốn lại áp đảo, bình quân gần 2.000 tỷ đồng/mỗi DN. Thứ nữa, nguồn vốn đăng ký là một việc, còn DN có thực hiện đầu tư với nguồn vốn đã đăng ký hay không lại là một việc khác.
Sản phẩm xuất khẩu của Thừa Thiên Huế ngày càng tăng trưởng khá, nhưng nếu xuất khẩu nhiều thì nhập khẩu cũng nhiều, đặc biệt là ngành may mặc. Điều này cho thấy, một nền kinh tế xuất khẩu cũng chủ yếu dựa vào gia công hoặc xuất nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng đưa lại không cao, chủ yếu là giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Về du lịch, Thừa Thiên Huế có tiềm năng lớn. Với việc đón hàng triệu khách mỗi năm cũng đưa lại nhiều nguồn lợi – cho cả kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, mức chi tiêu của khách cho thị trường Huế không cao. Tính toán năm 2018 và 2019 mỗi khách đến Huế chỉ chi tiêu chừng 1 triệu đồng.
Việc doanh thu du lịch tạo ra trung bình từ một khách ở mức thấp cho thấy, Thừa Thiên Huế đang thu hút nhiều khách du lịch ở “hạng trung”. Đã khách hạng trung nhiều thì nó tạo ra các loại dịch vụ hạng trung. Tìm cách để tăng doanh thu, có lẽ phải đi vào phân tích những vấn đề cụ thể và có giải pháp cụ thể.
Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀNG PHƯỚC