Trưng bày sản phẩm làng nghề A Lưới tại các trung tâm mua sắm hàng lưu niệm
Mây tre đan Bao La, pháp lam, mỹ nghệ xương, đúc đồng, tranh thêu, mộc mỹ nghệ, tranh gò đồng… là những sản phẩm đang ký gửi tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam (TTVHPN), các cửa hàng lưu niệm trên địa bàn TP. Huế và Sân bay Quốc tế Phú Bài. Để “đứng chân” tại đây, các cơ sở phải trả từ 25-30% hoa hồng trên giá trị sản phẩm, cao gấp 2-3 lần tiền thuê nhân công để sản xuất. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều sản phẩm lưu niệm và hàng TCMN khi đến tay du khách đều có giá quá cao, dẫn đến sức mua giảm sút.
Giám đốc HTX mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh cho rằng, cứ mỗi kỳ festival nghề truyền thống hay tham gia các hội chợ làng nghề, doanh số bán của sản phẩm mây tre đan đạt trên 30 triệu đồng, tương đương với doanh số tiêu thụ cả tháng của HTX. Điều này cho thấy người dân và khách du lịch rất ưa chuộng sản phẩm mây tre đan. Song, do không có không gian trưng bày dành riêng cho hàng TCMN, lưu niệm nên lâu nay, HTX ký gửi hàng tại các cửa hàng lưu niệm, các điểm di tích với mức phí 30%. Mức phí này không chỉ gây khó khăn cho HTX vì doanh số bán hàng giảm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến du khách khi giá sản phẩm bán ra cũng “tăng” thêm 30%.
Ngoài việc ký gửi tại các cửa hàng lưu niệm, để được quảng bá và bán hàng, nhiều cơ sở đã ký gửi sản phẩm tại hệ thống khách sạn và phải trả mức phí trên 30% dẫn đến giá trị sản phẩm bị nâng lên quá cao so với trị giá ban đầu.
“Một chiếc áo dài truyền thống được cắt may, thiết kế công phu, song tiền công may chỉ 500 ngàn đồng, trong khi đưa chiếc áo dài này qua ký gửi tại khách sạn phải trả mức phí 700 ngàn đồng. Vì vậy, một chiếc áo dài cơ sở để giá 2 triệu đồng thì khi trưng bày, khách sạn sẽ tự động nâng lên thành 2,7- 3 triệu đồng. Giá cao, nên khách chỉ đến… ngắm”, Giám đốc DNTN Thêu may Đoan Trang, bà Đoan Trang giải thích.
TTVHPN tại 15 Lê Lợi, TP. Huế là một trong những địa chỉ mà các DN, cơ sở chọn để ký gửi hàng. Tại đây, cùng với các sản phẩm làng nghề trong cả nước như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đất nung Chu Đậu, nhiều sản phẩm làng nghề do các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất có mặt, tạo không gian trưng bày hấp dẫn, thu hút du khách.
Theo Quản lý TTVHPN, bà Phạm Thị Diệu Hiền, hiện trung tâm trưng bày khá đầy đủ các sản phẩm làng nghề và chia ra hai hình thức, đó là cơ sở ký gửi sản phẩm với mức phí trên dưới 30% tùy theo giá trị sản phẩm và đơn vị đến trực tiếp các làng nghề để nhập sản phẩm về bày bán. Tuy nhiên, do thị trường ế ẩm, khách du lịch chỉ tham quan nên “thu không đủ chi”. Để trả các khoản chi phí cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, điện…, đơn vị không còn cách nào khác là phải tăng giá bán các sản phẩm lưu niệm, TCMN lên từ 25- 30% để duy trì hoạt động kinh doanh.
Sản phẩm vải zèng được du khách ưa chuộng
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 100 làng nghề, nghề truyền thống, trong đó có khoảng 20 làng nghề đang phát triển và sản phẩm tiêu thụ mạnh như hoa giấy, đúc đồng, mây tre đan, mộc mỹ nghệ, thêu, gốm sứ, kim hoàn, dệt thổ cẩm… Những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những di sản văn hóa Huế. Song, trong khi các làng nghề cần có một địa điểm thích hợp để trưng bày và giới thiệu sản phẩm, thì nhiều đề án xây dựng khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề vẫn đang nằm trên giấy, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất và sự phát triển chung của ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tự Dũng cho biết, năm 2014, UBND tỉnh đã tổ chức công bố quy hoạch khu trình diễn và giới thiệu sản phẩm làng nghề tại phường Thủy Xuân, TP. Huế với quy mô 11ha, song đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư nên chưa triển khai xây dựng. Hiện, UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Công thương lập đề án xây dựng không gian sáng tạo khởi nghiệp DN, trưng bày hàng TCMN, đào tạo nghề, sau khi hoàn chỉnh sẽ trình Bộ Công thương phê duyệt và triển khai xây dựng nhằm tạo địa điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho các cơ sở làng nghề, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan mua sắm của du khách.
Ông Dũng cho rằng, trong lúc chưa có các trung tâm giới thiệu hàng lưu niệm và TCMN trên địa bàn TP. Huế, Sở đã phối hợp với Sở Du lịch và các DN lữ hành tổ chức các tour du lịch tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề, đồng thời tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm TCMN, đặc sản và trực tiếp đưa các tập đoàn phân phối lớn về tận các địa phương tham quan và ký kết hợp đồng nhằm giải quyết đầu ra cho các cơ sở.
Bài, ảnh: Thanh Hương