ClockThứ Sáu, 09/02/2018 14:27

Hàng tiêu dùng tết: Giá, chất lượng vệ sinh được kiểm soát

TTH - Nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng trong dịp tết như mứt, bánh kẹo, áo quần, thịt, hoa, quả... đang tăng lên trong những ngày cuối năm. Điều đáng mừng là giá cả nhiều mặt hàng ổn định, phong phú và chất lượng vệ sinh thực phẩm được kiểm soát.

Khai trương trung tâm mua sắm Nguyễn KimThị trường mua sắm trực tuyến Đông Nam Á phát triển mạnhMua sắm trực tuyến: Tiện lợi nhưng phải cảnh giác

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra, lấy mẫu một số hàng tiêu dùng tết tại siêu thị Co.Opmart Huế

Nhiều lựa chọn

Qua khảo sát thị trường, đa số các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết năm nay không tăng so với năm trước và một số mặt hàng có giảm giá. Như năm ngoái, hạt dưa Tân Ký có giá 90 nghìn đồng/kg thì năm nay thị trường chỉ bán với giá 80 nghìn đồng/kg. Hạt dưa Kim Phát, Lâm Thanh vẫn giữ giá 95 nghìn đồng/kg. Một số loại hạt khác như óc chó, mắc-ca, dẻ ngày càng được nhiều khách hàng chọn mua vẫn có giá như năm trước.

Dù cận tết, sức mua các mặt hàng như gạo, nếp, thịt các loại, trái cây, đường, dầu ăn tăng cao nhưng giá vẫn không biến động.

Chị Hoàng Thị Nơ, kinh doanh ở chợ Phước Yên, xã Quảng Thọ (Quảng Điền) trò chuyện: “Mấy ngày qua, lượng người đi mua sắm hàng tết chưa nhiều, chỉ bán lai rai vài món. Phần vì năm nay bà con phải đối mặt với nhiều trận mưa lụt nên cũng gặp không ít khó khăn, vụ mùa bị ảnh hưởng, tâm lý chi tiêu sẽ tiết kiệm hơn. Mừng một điều là năm nay giá cả hàng hóa không tăng nên cũng dễ mua, dễ bán”.

Quán sá nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú, nên tâm lý nhiều người dân thường chờ đến 2, 3 ngày cuối năm mới bắt đầu đi mua sắm. Hơn nữa, thời điểm này, một số địa phương, người dân vẫn còn đang xuống đồng và nhiều cơ sở sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cho công nhân nghỉ muộn, nên khả năng trong những ngày 29, 30 tết, lượng người đi mua sắm, tiêu dùng mới tăng lên đáng kể.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đa dạng các mặt hàng phục vụ tết đều được trưng bày lên kệ đầy đủ, không thiếu hàng nội lẫn hàng ngoại, nên người tiêu dùng không lo khan hàng, đội giá.

Bà Lê Thị Thu, chủ quầy hàng tạp hoá trên đường Bùi Thị Xuân (TP. Huế) cho biết, kinh doanh sản phẩm có thương hiệu và đã được người tiêu dùng “kiểm chứng” về chất lượng nên cửa hàng không lo vắng khách, tồn hàng. Năm nay, không riêng hàng từ các tỉnh, thành đưa về mà nhiều loại mứt bánh của Huế như mứt gừng, mứt dừa, bánh in, dẻo… dùng để dọn tết cũng được các cơ sở sản xuất đưa ra thị trường để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp túi tiền và khẩu vị.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra, lấy mẫu tại cơ sở sản xuất mè xững Thiên Hương

Chất lượng, vệ sinh hàng hóa trong “tầm soát”

Đánh giá về vệ sinh thực phẩm những mặt hàng tiêu thụ lớn trong dịp tết, BS.CKII Nguyễn Ngọc Diễn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho rằng, hầu hết các cơ sở sản xuất cũng như kinh doanh đều chấp hành tốt.

Công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ngành chức năng thực hiện xuyên suốt trong năm, còn dịp tết chỉ xem như “rắc-lê” lại để các cơ sở tuân thủ tốt hơn. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2017, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Riêng trong năm xảy ra 46 ca ngộ độc do ăn bánh chưng (ở Phú Lộc) và chè (ở Phú Vang).

Điều mà ông Nguyễn Ngọc Diễn khuyến cáo người dân là nên lựa chọn thực phẩm có nhãn mác, thương hiệu uy tín, tránh dự trữ thực phẩm dài ngày vì sẽ có thể bị hư thối do điều kiện thời tiết thất thường và việc bảo quản không đúng cách.

Ngoài chú trọng về chất lượng thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng khác phục vụ tết cũng được người dân quan tâm về chất lượng, xuất xứ. Ngay trong tuần đầu tiên của tháng 2/2018, đây cũng là thời điểm thị trường hàng hoá tết bắt đầu sôi động, các đội quản lý thị trường trực thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra về giá cả, xuất xứ, nhãn mác, tránh tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.

Cũng trong thời gian này, đơn vị đã kiểm tra 274 vụ, xử lý 264 vụ. Qua đó, phạt vi phạm hành chính hơn 166 triệu đồng, hàng hoá bán đấu giá có giá trị 35,7 triệu đồng, hàng hoá tịch thu chờ bán đấu giá 77,45 triệu đồng, hàng hoá tịch thu tiêu hủy 135,8 triệu đồng. Các loại hàng hoá tịch thu trong đợt này rất đa dạng, như: rượu ngoại các loại, đồ gia dụng, mỹ phẩm làm đẹp, giày và các loại đồ chơi trẻ em, thuốc lá nhập lậu...

Qua kiểm tra về vi sinh và hóa lý tại 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh những ngày gần đây, trong 46 mẫu được lấy từ các mặt hàng: mứt, bánh kẹo, mắm ruốc…, có 31 mẫu cho kết quả đạt tiêu chuẩn, 15 mẫu chưa có kết quả. Qua báo cáo nhanh của đoàn kiểm tra các huyện, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng phục vụ tết.

Bài, ảnh: Minh Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Danh mục hộp quà tết 2025 sang trọng, ấn tượngSản xuất giấy vệ sinh công nghiệp Giá thông cống
Return to top