ClockThứ Năm, 03/12/2020 11:05

Hiện đại hóa hạ tầng lưới điện theo định hướng lưới điện thông minh

TTH - Qua hơn 2 tháng nỗ lực khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng của thiên tai, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó định hướng đầu tư hoàn thiện và hiện đại hoá hạ tầng lưới điện theo định hướng lưới điện thông minh.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển lưới điệnHình thành mạng lưới các thành phố thành viên AIMF.Phát triển nguồn lưới điện, thực hiện lộ trình lưới điện thông minhXu hướng tạo nên sự bền vững cho các thành phố thông minhƯu tiên nguồn lực đầu tư phát triển lưới điện

Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế Hà Thanh Long xung quanh việc khôi phục cấp điện sau các sự cố thiên tai và chuyển đổi số doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế Hà Thanh Long. Ảnh: PHAN THÀNH 

Ông Hà Thanh Long chia sẻ: Thời gian qua là giai đoạn khó khăn nhất của ngành điện khi bão lũ liên tiếp xảy ra trên toàn tỉnh. Đây là sự cố chưa từng có và kéo dài gần 2 tháng. Các đợt bão lũ gây thiệt hại lớn cho hạ tầng lưới, nhiều sự cố lưới điện trên diện rộng xảy ra cùng lúc dẫn đến mất điện cho hàng ngàn khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu do cây cối ngã đổ đè lên đường dây gây gãy đổ cột điện, đứt dây và hư hỏng thiết bị. Thời điểm cao nhất có hơn 95% khách hàng trên toàn tỉnh mất điện, thiệt hại vật chất của ngành lên hơn 22 tỷ đồng.

Công tác khắc phục các sự cố được triển khai như thế nào, thưa ông?

Đầu tiên, từ cơn bão số 5 đến số 13, điều kiện thời tiết cực đoan với tần suất quá dày, thiệt hại lớn kéo dài nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, khối đơn vị sản xuất, đặc biệt là các nhà máy, ở khu công nghiệp Phú Bài gần như không mất điện nên vẫn duy trì hoạt động.

Với người dân, bằng những giải pháp tích cực nhất cùng với kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT), đơn vị cố gắng cấp điện sớm nhất, trừ những trường hợp vùng sâu, vùng xa và các vùng ngập úng. Ngoài lực lượng của đơn vị trên 600 người và sự hỗ trợ của nhiều đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung và các đơn vị xây lắp trên địa bàn, chúng tôi đã tập trung khôi phục phụ tải quan trọng trong TP. Huế và các huyện, thị xã.

Công tác triển khai khắc phục sự cố, khôi phục lưới điện được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, thực hiện các giải pháp để nhanh chóng cô lập các vùng sự cố, gia cố lưới điện bằng các biện pháp tạm thời như dựng cột sắt, néo, chống lại cột điện… đảm bảo cấp điện trở lại nhanh nhất cho khách hàng. Giai đoạn 2, xử lý kiên cố hoàn thiện lưới điện, di dời các tuyến đường dây đi qua các địa bàn thường xuyên sạt lở, ngập sâu để đảm bảo cấp điện được thuận lợi, ổn định lâu dài.

Quá trình cấp điện trở lại không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào cho người lao động và trong dân. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp, hỗ trợ của chính quyền địa phương, người dân trong việc phát quang hành lang tuyến; tinh thần lao động tích cực, vượt khó của đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật ngành điện cũng như sự phối hợp trong công tác điều hành của ban giám đốc và các phòng ban.

Nâng cấp, sửa chữa lưới điện

Kinh nghiệm và những bài học rút ra sau các sự cố trên là gì, thưa ông?

Có rất nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc sau các đợt thiên tai vừa qua, song khai thác hiệu quả nhất vẫn là phương châm “4 tại chỗ”. Trong công tác điều hành xử lý khắc phục bão lụt, các đơn vị công ty thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", gồm chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi dự báo các tình huống thời tiết thiên tai, công ty tổ chức các lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại tất cả các đơn vị. Phân công lãnh đạo trực tiếp điều hành công tác PCTT trên các địa bàn, tập kết vật tư, phương tiện khắc phục sự cố tại đơn vị. Tại các đơn vị trên các địa bàn dễ bị chia cắt, huy động các lực lượng phụ trợ đảm bảo công tác hậu cần trong quá trình xử lý khắc phục sự cố.

Công tác “điều hành online” đã giúp ích rất nhiều trong việc chỉ đạo, điều hành khắc phục các sự cố lưới điện. Sau khi bão qua, cán bộ, công nhân kỹ thuật ra hiện trường khảo sát đánh giá, sau đó đưa thông tin về cho các bộ phận đánh giá thiệt hại và sẵn sàng vật tư, phương tiện để triển khai khắc phục ngay. Mặt khác, công ty phối hợp, tương tác và lấy thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh để cập nhật tình hình thời tiết để lên kế hoạch giữ điện cho khách hàng và cắt điện đúng thời điểm.

Ông có thể cho biết định hướng sắp tới của công ty trong việc đầu tư để hoàn thiện hạ tầng lưới điện?

Sau các đợt bão lụt xảy ra, có 3 việc cần làm ngay, đó là ổn định lưới điện, khắc phục ngay để có điện; khắc phục để vận hành và khắc phục để đầu tư mới tại các điểm sạt lở. Đến cuối tháng 11/2020, hoàn thiện công tác khắc phục để đảm bảo vận hành theo hướng hiện đại hóa lưới điện toàn tỉnh, đồng thời triển khai di dời 2 địa điểm sạt lở, đó là di dời đường dây 22kV vùng sạt lở ở xã Lâm Đớt (A Lưới) và vùng thấp trũng của 2 xã Vinh Mỹ, Giang Hải (Phú Lộc) với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ đồng. Đầu năm 2021, sẽ hoàn thành, đảm bảo chủ trương hiện đại hóa, ổn định lưới điện cho người dân nơi đây.

Lâu dài, ngành điện tập trung đầu tư hoàn thiện và hiện đại hoá lưới điện. Thực tế cho thấy, hệ thống điều khiển xa SCADA rất hiệu quả trong công tác vận hành trong các tình huống thiên tai. Hằng năm, ngành điện xây dựng kế hoạch đầu tư từ 200-300 tỷ đồng để phát triển nguồn, lưới điện nhằm cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Sẽ tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp nguồn lưới theo tiêu chí N-1, đáp ứng yêu cầu giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo kết cấu lưới điện ổn định trong các tình huống thiên tai.

Bên cạnh đó, ngành điện tập trung đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại để hoàn thiện hệ thống đo đếm thông minh, hoàn thiện hệ thống giám sát điều khiển xa SCADA/DMS, ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin vào sản xuất, nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông có thể nói về các dự án sắp tới?

Thời gian tới, sẽ nâng cấp và hoàn thiện hệ thống lưới điện từ thành thị đến nông thôn, trong đó sẽ đầu tư cho Trạm 110kV Huế 4, Trạm 110kV Vinh Thanh, 110kV Huế 5… Nếu Khu công nghiệp Phong Điền phát triển, sẽ tiếp tục đầu tư các trạm tại Phong Điền, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô... Đó là nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, hằng năm công ty còn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng cho công tác sửa chữa đại tu lưới điện. Riêng giai đoạn 2021- 2025, ngành điện đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để sửa chữa lớn để kiện toàn lưới điện.

Đối với công tác chuyển đổi số doanh nghiệp, lộ trình thực hiện của công ty như thế nào, thưa ông?

Thực hiện lộ trình chuyển đổi số doanh nghiệp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 5 năm tới, đơn vị sẽ tập trung triển khai trên các lĩnh vực, như hoàn thiện hệ thống quy trình sản xuất kinh doanh theo định hướng hoạt động của doanh nghiệp số, ứng dụng hiệu quả các công cụ quản lý đánh giá theo KPI.

Lộ trình doanh nghiệp số, tất cả cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện nay đều được số hóa, chứ không riêng gì văn bản. Hiện, toàn bộ CSDL của lưới điện đã được số hóa, công việc này đồng bộ qua một CSDL phần mềm, sau đó tính toán các chế độ tối ưu của lưới điện nhằm đồng bộ 2 CSDL để giải bài toán tiến tới lưới điện thông minh. Việc tự động hóa toàn bộ thiết bị điều khiển tại trung tâm đã giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Công tác khắc phục các sự cố nhanh, an toàn trong đợt bão lụt vừa qua là nhờ các giải pháp tự động hóa trong công tác vận hành. Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện ứng dụng thành công phần mềm DMS trên nền tảng hệ thống GIS.

Để thực hiện lộ trình này, đơn vị xây dựng đội ngũ người lao động đảm bảo chuyên môn vững vàng, kỹ năng tốt và có tác phong công nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ sư làm chủ khoa học công nghệ, người lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu làm chủ hệ thống sản xuất hiện đại. Mặt khác, đẩy mạnh các ứng dụng và giải pháp khoa học công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả điều hành, đồng thời cung cấp chất lượng dịch vụ tốt nhất đến khách hàng...

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

THANH HƯƠNG (Thực hiện)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh

Sự tác động của cuộc cách mạng 4.0 đã kéo theo sự phát triển của xu hướng du lịch thông minh. Các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành du lịch không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm mới, giúp nâng cao trải nghiệm của du khách mà còn cần những sự thay đổi phù hợp với tình hình mới.

Phát triển các tiện ích, hệ sinh thái du lịch thông minh
Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và NQ thành lập 2 quận Phú Xuân và Thuận Hóa thuộc TP. Huế. Để triển khai các NQ trên, UBND TP. Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở làm việc cũng như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… sẵn sàng cho việc vận hành bộ máy hành chính mới vào đầu năm 2025.

Hoàn thiện hạ tầng, sắp xếp trụ sở 2 quận sau khi thành lập
Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá

Việc đầu tư xây dựng các dự án (DA) nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp với việc neo đậu, tránh trú bão trên địa bàn nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế và phòng, chống thiên tai. Sau khi hoàn thành, các công trình sẽ góp phần khôi phục hoạt động của cảng cá, âu thuyền và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của ngư dân trong vùng DA.

Khơi thông luồng lạch, hoàn thiện hạ tầng nghề cá
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Chiều tối 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Đoàn lãnh đạo 18 doanh nghiệp dòng họ Trang, dòng họ Nghiêm đến từ 11 tỉnh, thành phố của Trung Quốc do ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương và Tập đoàn xây dựng Tô Thương – những doanh nghiệp thuộc 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu đang thăm, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhóm lớn nhất toàn cầu nghiên cứu tham gia các dự án hạ tầng tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top