ClockThứ Sáu, 14/01/2022 14:02

Khẩn trương ban hành chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp

TTH.VN - Giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới là nội dung hội thảo được Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong ngày 14/1.

Hỗ trợ doanh nghiệp: “Có bột mới gột nên hồ”Uốn nắn những hạn chế, khuyết điểmMột doanh nghiệp bị phạt 80 triệu đồng vì chiếm đất rừng sản xuất

Hội thảo có sự tham dự của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS.Vũ Thành Tự Anh, Thành viên Ban tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; các chuyên gia kinh tế, đại diện các sở ngành, các ngân hàng và DN trên địa bàn.

TS.Vũ Thành Tự Anh chia sẻ tại hội thảo

Nhiều giải pháp tài khóa hỗ trợ DN

Tại hội thảo ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chia sẻ một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, chống dịch trên địa bàn. Hai năm qua, Thừa Thiên Huế vẫn cơ bản đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, trong đó, DN nhận được nhiều ưu tiên nhằm đảm bảo lưu thông, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trên cơ sở các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ DN, thành lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và có kế hoạch tổ chức các cuộc họp, hội thảo chuyên đề để lắng nghe các ý kiến của DN.

Mới đây, Quốc hội cũng thông qua chính sách hỗ trợ DN với gói hỗ trợ 64.000 tỷ đồng giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2022; 176.000 tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển: 5.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ lãi suất cho các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm và hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ có phương án hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các DN đang vay vốn của các tổ chức tín dụng; bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho DN vay vốn phục hồi sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu phương án hỗ trợ phát hành chứng thư bảo khoản vay cho các doanh nghiệp. Về lâu dài cần sự nỗ lực chủ động từ phía DN, thay đổi tư duy nhận thức trong quản trị, trong đó cần tập trung chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tạo bước đột phá, thích nghi với tình hình dịch bệnh.

Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, sau hội thảo nắm bắt các ý kiến góp ý của cộng đồng DN, HTX, hộ kinh doanh. Hầu hết, các DN đều cho rằng cần có chính sách hỗ trợ dòng tiền để vực dậy nền kinh tế.

Theo đó, bà Mai đưa ra 1 số đề xuất chính sách cụ thể đi kèm với các chính sách của Trung ương như: giảm thêm 2% thuế suất GTGT trong năm 2022, 2023 cho các đối tượng đã được TW hỗ trợ; hỗ trợ thêm 2% lãi suất cho các DN, HTX, hộ kinh doanh; bổ sung 100 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời ban hành quy định hỗ trợ  phát hành chứng thư bảo lãnh (bằng 50% giá trị khoản vay) cho các DN đã được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.

Xác định mục tiêu chính sách rõ ràng

Tại hội thảo, các chuyên gia, DN, đại diện các ngân hàng đã chia sẻ những kỳ vọng khi lắng nghe các ý kiến đề xuất chính sách từ Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời đánh giá khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ DN đã được triển khai, từ đó có những góp ý về những nội dung chính sách mới được đề xuất.

TS.Phan Khoa Cương, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đề xuất trong tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát hiện nay, ngoài thực hiện 5K phải bổ sung thêm 2K nữa đó là khẩn trương và khích lệ. Nghĩa là phải khẩn trương ban hành các chính sách hỗ trợ DN; khích lệ DN thay đổi tư duy, cách nhìn nhận từ đó có những thay đổi thích nghi để phát triển bền vững nhất. Trong ban hành chính sách ở phạm vi địa phương cần theo hướng hỗ trợ đúng, trúng vì thế phải phân loại DN theo từng nhóm để có hướng hỗ trợ phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh cũng gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình ban hành chính sách địa phương. Cụ thể, khi đưa ra chính sách phải xác định của mục tiêu của chính sách để định hướng chính sách một cách rõ ràng. Trước tiên phải hỗ trợ DN trong phòng chống dịch vì chỉ có hỗ trợ thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh DN mới có điều kiện hoạt động, phát triển. Cùng với đó, chính quyền phải xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, điện tử hóa, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với xu thế.

Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh cũng nhấn mạnh, trước mắt địa phương phải ước lượng được chi phí tài khóa phục vụ cho việc thực thi chính sách, từ đó mới có thể đưa ra chính sách phù hợp. Các chính sách này phải được ban hành nhanh, khẩn trương nhất để làm động lực trong tăng trưởng kinh tế. Và bản thân các DN cũng phải tự vận động, phải nhìn thấy xu thế mới trong lĩnh vực kinh doanh, nhìn thấy những tiềm năng trong đại dịch, từ đây đón đầu những cơ hội, nắm bắt cơ hội phát triển.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

TIN MỚI

Return to top