ClockThứ Hai, 30/01/2023 07:42

Ngành dệt may ứng phó bất ổn thị trường

Mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 44 tỷ USD trong năm 2022, nhưng ngành dệt may Việt Nam đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trái ngược, bất định của thị trường. Trong sáu tháng đầu năm, doanh nghiệp thắng lớn với đơn hàng dồi dào và rồi tình thế đổi chiều những tháng cuối năm đã đánh bay lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự linh hoạt ứng phó đã giúp doanh nghiệp vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu.

Kinh tế 2022 - 2023: Dệt may hướng mốc kim ngạch xuất khẩu 48 tỷ USDLo tết sớm cho công nhân ngành dệt mayDoanh nghiệp dệt may đối diện nhiều khó khăn

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Theo dự báo, kinh tế thế giới trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối diện nhiều khó khăn khi lạm phát cao, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may,... Do đó, ngành dệt may cần chuẩn bị kỹ các kịch bản tăng trưởng để duy trì ổn định sản xuất.

Lao dốc thẳng đứng

Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Vương Ðức Anh cho biết, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Tập đoàn đã đưa ra các dự báo về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối năm, nhưng trước những tình huống khó lường, cùng với sự đảo chiều nhanh chóng của thị trường, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng. Tại thời điểm chín tháng năm 2022, lợi nhuận của Tập đoàn đạt 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so kế hoạch được giao. Thế nhưng, thị trường có dấu hiệu đi xuống ngay từ tháng 8 và càng rõ nét hơn trong tháng 9. Những tháng đầu quý IV/2022, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, nhất là các đơn vị sợi. Ðiều này khiến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại. Tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt, nhạy bén trong công tác dự báo và điều hành của hội đồng quản trị, cơ quan điều hành Tập đoàn cùng với sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, người lao động toàn hệ thống đã giúp đơn vị đạt tổng doanh thu hơn 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường, năm 2022, Vinatex tổ chức tám hội thảo về thị trường, qua đó cập nhật kịp thời dự báo thị trường; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, phân tích dữ liệu theo biến động của thị trường tài chính, tiền tệ để các đơn vị thành viên có cơ sở cân nhắc, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn. Ðơn cử như với ngành sợi, Vinatex đã bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối trong chuỗi sản xuất của ngành dệt và ngành may nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sợi. Cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền, luôn quan tâm bảo đảm chất lượng sản phẩm cao và ổn định; bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu. Ðối với ngành may, Vinatex tận dụng tối đa các đơn hàng, kể cả các đơn hàng ngắn để bảo đảm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động; nghiên cứu khả năng chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường, luôn sẵn sàng lực lượng sản xuất tốt nhất để đón những cơ hội khi thị trường có dấu hiệu hồi phục...

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang khẳng định, mặc dù sản xuất chững lại trong ba tháng cuối năm nhưng mức tăng trưởng cao trong ba quý trước đó đã giúp ngành dệt may cán đích xuất khẩu hơn 44 tỷ USD, tăng khoảng 10% so năm 2021. Mỹ vẫn là nước nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất, với hơn 18 tỷ USD. Kế đến là Hàn Quốc 4,2 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc gần bốn tỷ USD,...

Tiếp tục chịu nhiều áp lực

Ðánh giá về tín hiệu thị trường, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang nhận định, trong quý I/2023, số đơn hàng giảm từ 25 đến 27% do sức mua toàn cầu giảm, doanh nghiệp làm hàng gia công chịu áp lực lớn hơn đơn vị làm FOB (mua vật liệu, sản xuất, bán sản phẩm) do không chủ động được thị trường, đầu vào nguyên nhiên liệu,... Hiện các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn, hàng chục nghìn sản phẩm như trước, họ chỉ đặt đơn hàng ngắn, vài trăm sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng giá trị thấp hơn, đồng thời đa dạng hóa thị trường, mặt hàng nhằm giữ nhịp độ sản xuất, đẩy mạnh tăng trưởng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện chỉ nhận được đơn hàng bằng 70-80% năng lực sản xuất do cầu tiêu dùng giảm, tín hiệu thị trường chưa khả quan. Ðây là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn, do đó, giải pháp quan trọng cần xác định đâu là những tài sản cần bảo vệ trong dài hạn.

Ngành dệt may cần giữ vị trí trong chuỗi cung ứng làm sao phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi; phải giữ được đội ngũ lao động có trình độ cao để bảo đảm khi thị trường phục hồi có ngay lực lượng đáp ứng cho yêu cầu của thị trường; tập trung cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, giảm chi phí,… song song với tập trung đổi mới công nghệ tự động hóa giảm sức lao động cũng như số lượng lao động.

Ông Lê Tiến Trường cũng cho biết, Vinatex hiện tập trung vào sản xuất nguyên liệu nhiều hơn sản xuất may mặc, chính vì vậy nguyên liệu luôn là khâu đầu thực hiện xanh hóa trước, tạo nền tảng cho các nguyên vật liệu đạt yêu cầu của quá trình xanh hóa theo yêu cầu của Mỹ và châu Âu đặt ra. Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Trong 5 năm trở lại đây, nhiều đơn vị có tỷ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm tỷ lệ 30-35% tổng sản lượng. Ðồng thời, các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh. Ðây là những tiêu chuẩn mới mà thế giới đưa ra, đòi hỏi chúng ta phải tăng năng lực trong chuẩn bị sản xuất, năng lượng, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu tới năm 2024 sẽ đưa vào các báo cáo kiểm toán độc lập liên quan phát triển xanh khi doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. "Vị thế cạnh tranh, những bước tiến đi trước của Việt Nam trong vài năm qua đã bị các quốc gia cạnh tranh đuổi kịp, thậm chí còn vượt. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải có những đổi mới bứt phá để giữ vị thế thuộc tốp 3 trên thế giới. Theo dự báo, tình hình ngành dệt may Việt Nam năm 2023 sẽ xấu hơn năm 2022. Trong khi dệt may là ngành có chu kỳ sản xuất ngắn, nhu cầu rất nhạy với thu nhập và việc làm trên thế giới nên không thể có một dự báo dài hạn cho cả năm. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải bám sát diễn biến của thị trường để có các giải pháp linh hoạt nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa" - ông Trường nhấn mạnh.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Thông tin doanh nghiệp:
Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường

Chưa đến 3 triệu đồng là khách hàng đã có thể đầu tư máy bơm mỡ bằng chân chính hãng cho công năng bơm mỡ hoàn hảo, thiết kế nhỏ gọn, sử dụng khu vực không sẵn nguồn điện, khí nén. Hiện sản phẩm đang được trợ giá siêu tốt tại Kumisai Việt Nam.

Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường
Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm

Tính đến ngày 11/11, ngoài núi lửa Lewotobi Laki-Laki ở miền Đông đang phun trào mạnh gây thiệt hại cho khu vực này, có 5 ngọn núi lửa khác ở Indonesia đang ở trạng thái cần theo dõi chặt chẽ vì có nguy cơ cao hoạt động trở lại. Quân đội Indonesia đã chuẩn bị lực lượng ứng phó nhanh với thảm họa để sẵn sàng kịp thời ứng phó.

Quân đội Indonesia sẵn sàng ứng phó với 6 núi lửa nguy hiểm
Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã ban hành Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ về việc ứng phó với bão Yinxing gần Biển Đông. Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão Yinxing đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông (Philippines).

Rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó bão Yinxing

TIN MỚI

Return to top