Tuy nhiên, theo các nhà nhập khẩu thì bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của thị trường này, doanh nghiệp (DN) Việt cần tính đến nhu cầu theo mùa để điều chỉnh sản lượng và kế hoạch XK.
Một số loại trái cây vùng nhiệt đới được bán và tiêu thụ khá mạnh tại châu Âu. Ảnh minh hoạ.
Rộng cửa cho xuất khẩu
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi hiệp định có hiệu lực với 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ. Trong đó, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn trên con đường đến với thị trường châu Âu bởi sản phẩm trái cây 2 bên có tính bổ trợ, chứ không phải cạnh tranh trực tiếp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, dù mới đi vào thực thi EVFTA hơn 3 tháng nhưng kim ngạch XK nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến với mức giá khá cao. Hiện, EU là thị trường XK thứ 4 của rau, quả Việt Nam. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, XK mặt hàng này sang EU sẽ có những bước tiến đột biến”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Trên thực tế, ngày 17-9 vừa qua, lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU Hiệp định EVFTA bằng đường tàu biển và hàng không. Tiếp đó, ngày 17/11, Thương vụ Hà Lan (Bộ Công Thương) vừa công bố thông tin khảo sát thị trường châu Âu để DN có thể nắm được và điều chỉnh kế hoạch sản xuất – XK cho phù hợp.
Theo đó, Thương vụ cho biết, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại trái cây hương vị mới mẻ nên giá trị của trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới khi đưa vào thị trường được nâng cao hơn so với khu vực khác. Vì ích lợi đối với sức khỏe từ trái cây nhiệt đới đã khiến nhu cầu sử dụng tăng cao. Đứng đầu là lựu, chanh dây, cây lý và vải, nhưng các loại trái cây đặc trưng khác như pitahaya, chôm chôm và khế chắc chắn có tiềm năng tăng trưởng.
Thương vụ Hà Lan cho rằng các DN XK lớn của Việt Nam có thể tận dụng nhu cầu đang tăng ở châu Âu để cung cấp hàng hóa cho thị trường này. Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng ngoại như vải tươi, chanh dây, khế và thanh long đã và đang có mức tăng trưởng nhanh, tới 40% trong 5 năm qua. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với DN Việt.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, EU là một thị trường năng động, những cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực thương mại rau, củ, quả tập trung quan trọng trong các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan – nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua. Bởi từ lâu nay, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu Châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả.
Ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cũng cho biết, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà XK từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Những năm gần đây, thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người dân tại nhiều khu vực ở châu Âu đã có cái nhìn khác đối với quá trình hiện đại hóa và đổi mới của ngành rau, củ, quả Việt Nam. Cùng với đó, các DN rau quả của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác EU, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và các kênh phân phối cao cấp tại nhiều nước trong EU.
Nắm rõ thời điểm, thị hiếu để chinh phục thị trường
Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường châu Âu, Thương vụ Hà Lan cho biết, hiện nhiều quốc gia đã tận dụng lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới và tăng quy mô sản xuất để XK sang châu Âu. Do vậy, Thương vụ Hà Lan khuyến cáo DN Việt nên tìm hiểu kỹ lưỡng và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như việc đáp ứng thị hiếu trong việc cung cấp hàng hóa cho thị trường này.
Trong đó, Thương vụ lưu ý DN về một vài thời điểm đặc biệt khiến nhu cầu trái cây nhiệt đới ở châu Âu tăng đáng kể. Chẳng hạn, cao điểm nhập khẩu của các nước này vào tháng 4 và tháng 12 (kéo dài từ giáng sinh đến năm mới). Trong mùa hè (khoảng tháng 7, 8), nhu cầu của người châu Âu giảm do đây là mùa có của trái cây địa phương. Trên cơ sở này, khi XK trái cây, DN cần tính đến nhu cầu theo mùa để điều chỉnh sản lượng và kế hoạch cung cấp.
Hơn nữa, EU mở cửa về thuế quan nhưng việc thâm nhập vào thị trường này có không ít khó khăn bởi yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do vậy, đối với các DN xuất khẩu, Thương vụ Hà Lan lưu ý các DN xuất khẩu cần phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, đặc biệt là sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chứng nhận hữu cơ có thể là một điểm cộng. Đặc biệt, vấn đề về cải tiến bao bì, công nghệ xử lý... giúp thời hạn sử dụng kéo dài hơn cũng là những điểm mà DN XK cần lưu tâm.
Theo CAND