Sau khi có thông tin Anh sẽ rời EU, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang EU cho biết, khả năng đồng Bảng (Anh) và Euro đều mất giá, đồng thời đồng USD sẽ tăng lên.
Theo ông Lĩnh, VND gắn liền với đồng USD, vì thế, xuất khẩu khẩu chắc chắn sẽ khó khăn. Chưa kể, lâu nay, hàng Việt Nam xuất EU đã quen về luật lệ, quy định, sắc thuế, nhưng khi Anh rời EU, có thể quy định nước này sẽ khác. Ông Lĩnh cho biết, DN của ông đang xuất khẩu tôm khoảng 22 triệu USD vào EU, trong đó riêng vào Anh khoảng 8-10 triệu USD.
Dự báo xuất khẩu thủy sản trong ngắn hạn chưa bị ảnh hưởng
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư Ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), việc Anh rời khởi EU trong ngắn hạn, vấn đề xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này chưa bị ảnh hưởng gì lớn. Ông Hòe cho rằng, dù ra khỏi EU hay không, nhu cầu về thực phẩm của họ vẫn cần.
Theo ông Hòe, Anh rời khỏi EU không phải ngay lập tức, mà phải mất một thời gian xử lý các thủ tục, chắc cũng phải hai năm. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex cho biết, khi có thông tin Anh rời EU, sàn giao dịch hàng hóa nông sản như dính phải cú sốc.
Sàn gần như “đỏ rực”, giá rơi tự do và chưa biết tình hình sẽ đi về đâu. Theo ông Nam, đến chiều qua, giá cà phê trên sàn đã rơi 50 USD/tấn (khoảng 1.000 đồng/kg).
Chủ tịch Tập đoàn Intimex cũng cho rằng, thời gian tới, hàng hóa nông sản các nước xuất khẩu sẽ gặp rủi ro do vấn đề tài chính toàn cầu bị ảnh hưởng. Do vậy, lúc này, cơ quan quản lý chuyên ngành nhà nước, cần có những thông tin chính thức, nhận định rõ ràng hơn, tránh để người dân, các DN hoang mang về thị trường xuất khẩu.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện Trưởng Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (Bộ NN&PTNT) cho biết, một số nông sản chủ lực của Việt Nam xuất sang EU thời gian qua như cà phê, thủy sản, rau quả, tiêu điều…có thể bị ảnh hưởng.
Theo Tiền phong