Thế giới

Anh: Hoá đơn thực phẩm của người dân tăng thêm 6 tỷ bảng vì Brexit

ClockThứ Sáu, 02/12/2022 17:33
TTH.VN - Theo một nghiên cứu vừa được công bố hôm qua (1/12), việc Anh rời Liên minh châu Âu - còn gọi là Brexit, đã làm tăng thêm gần 6 tỷ bảng Anh (7,36 tỷ USD) trong hóa đơn thực phẩm của người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng nặng nề nhất đến hộ gia đình cho thu nhập thấp và tiếp tục gây ra lạm phát “nóng”.

Các quy định hải quan mới hậu Brexit chính thức có hiệu lựcBrexit ảnh hưởng đến trung tâm tài chính London nghiêm trọng hơn dự kiếnAnh nhất trí gia hạn thời gian phê chuẩn thỏa thuận hậu Brexit cho EUNền kinh tế Anh đang tụt hậu nhiều hơn so với các quốc gia phát triển khác

LSE đánh giá rằng Brexit đã bắt đầu khiến các hóa đơn thực phẩm tăng cao từ cuối năm 2019 trở đi  

Nghiên cứu của Trường Kinh tế London (LSE) cho thấy Brexit đã làm tăng hóa đơn thực phẩm của mỗi hộ gia đình trung bình 210 bảng Anh (257 USD) trong 2 năm tính đến cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 6%. 

Theo phân tích của LSE, giá thực phẩm ở Anh đã bị đẩy lên cao hơn do chi phí kiểm tra bổ sung và các yêu cầu đối với hàng nhập khẩu của EU ngày càng cao.

LSE đánh giá rằng Brexit đã bắt đầu khiến các hóa đơn thực phẩm tăng cao từ cuối năm 2019 trở đi, do các công ty dự đoán chi phí sẽ cao hơn và điều chỉnh giá cho phù hợp. Theo đó, các sản phẩm đã tăng giá 6% trong khoảng thời gian 2 năm 2020-2021.

Sự tăng giá này ảnh hưởng nhiều nhất đến những người nghèo vì những người có thu nhập thấp phải chi phần lớn tiền lương của họ cho thực phẩm. Cụ thể, báo cáo cho thấy Brexit đã làm tăng thêm 1,1% trong tổng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình có thu nhập thấp - cao hơn mức tăng 0,7% của nhóm các hộ gia đình giàu có.

Nhiều rào cản đẩy chi phí tăng cao

Anh đã bỏ phiếu rời EU vào tháng 6/2016, chính thức rút khỏi liên minh vào cuối tháng 1/2020 về mặt pháp lý và rời khỏi thị trường chung châu Âu và liên minh thuế quan vào tháng 1/2021.

Mặc dù London sau đó đã đạt được Thỏa thuận Hợp tác và Thương mại thời hậu Brexit với Brussels để duy trì phần lớn thương mại miễn thuế với 27 thành viên còn lại của EU, nhưng việc mở rộng các dịch vụ kiểm tra hải quan, cùng với việc tăng cường các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và các biện pháp vệ sinh đối với buôn bán động thực vật đã làm tăng thêm khó khăn cho các nhà xuất - nhập khẩu.

Ông Richard Davies, giáo sư tại Đại học Bristol cho rằng khi rời khỏi EU, Vương quốc Anh đã đối diện với một mối quan hệ yêu cầu nhiều loại kiểm tra, biểu mẫu trước khi hàng hóa có thể thông thương qua biên giới với EU.

Brexit khiến các nhà nhập khẩu ở Anh đối mặt với chi phí cao hơn, từ đó khiến giá hàng hoá tăng cao. Ảnh minh hoạ: Financial Times/NLD

Từ đó, giá tiêu dùng ở Anh bị đẩy lên cao, do các sản phẩm có hàng rào phi thuế quan cao, trong khi không có sự gia tăng đáng kể nào ở những sản phẩm có hàng rào phi thuế quan thấp. Điều đó cho thấy rằng các nhà xuất khẩu của EU và các nhà nhập khẩu của Vương quốc Anh phải đối mặt với chi phí cao hơn do các rào cản mới, và phần lớn chi phí này -  từ 50% đến 88%, được đẩy sang người tiêu dùng.

Báo cáo cũng cho thấy rằng mặc dù các nhà sản xuất thực phẩm trong nước của Anh được hưởng lợi từ việc ít cạnh tranh hơn, nhưng lợi ích này không đủ bù đắp cho thiệt hại của người tiêu dùng lên tới hơn 1 tỷ bảng Anh. Trong khi đó, lợi nhuận không tạo ra bất kỳ doanh thu nào cho chính phủ.

Theo nghiên cứu, lạm phát gia tăng trong năm nay do tác động của cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự gia tăng các hàng rào phi thuế quan là “một yếu tố” khiến giá cả tăng vọt ở Anh trong năm 2022.

Thực tế, nước Anh đã phải đối mặt với lạm phát kỷ lục trong năm nay, gây ra làn sóng đình công trên toàn nền kinh tế do tiền lương không theo kịp.

Mức tăng giá hàng năm của Anh đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% trong tháng 10, trong khi lạm phát lương thực đạt 12,4% trong tháng 11.

Theo nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, người tiêu dùng Anh hiện có thể phải trả thêm 682 bảng cho hóa đơn thực phẩm của họ trong năm nay.

Trong khi đó, lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 11 đã giảm nhẹ xuống 10%.

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh quyết định rời khỏi EU của Anh đang được đề cập nhiều trở lại khi nước này đang chuẩn bị rơi vào cuộc suy thoái dài nhất từng được ghi nhận và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng.

Tuần trước, OECD cho biết Vương quốc Anh đang tụt hậu đáng kể so với các nền kinh tế phát triển khác. Anh cũng là nền kinh tế G7 duy nhất (bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ và Vương quốc Anh) vẫn chưa quay trở lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP & CNBC)

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh

Khi các kỹ năng và thế mạnh của các vận động viên khuyết tật đang tiếp tục gây ấn tượng tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paris (Paralympic Paris), thì tại thủ đô London của Anh cũng đang diễn ra lễ hội nghệ thuật giới thiệu tài năng và sự độc đáo của các nghệ sĩ khuyết tật.

Khám phá lễ hội tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ khuyết tật ở Anh
Return to top