ClockThứ Sáu, 27/08/2021 10:45

Thị trường đồ chơi, bánh trung thu trầm lắng vì dịch bệnh

TTH.VN - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, thị trường đồ chơi trung thu cũng như các loại bánh năm nay khá trầm lắng. Dù nhiều mặt hàng được nhập về, nhưng số lượng giảm nhiều so với năm trước vì lo ngại sức mua kém.

Thị trường máy chạy bộ 'ăn nên làm ra' mùa COVID-19Ưu tiên tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19Luôn đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu

Đồ chơi trung thu bày bán ở một số tuyến đường nhưng thưa thớt khách hỏi mua

Còn khoảng hơn 2 tuần nữa mới đến trung thu, nhiều tuyến phố chuyên kinh doanh các mặt hàng phục vụ đồ chơi bắt đầu nhập hàng về để trưng bày, bán cho người có nhu cầu. Tại các tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Nguyễn Trãi, Phan Đăng Lưu… đã trưng bày các mặt hàng đồ chơi thiếu nhi.

Nhìn bề ngoài sôi nổi nhiều màu sắc nhưng lượng hàng năm nay ít hơn. Giải thích về điều này, chị Nguyễn Thị Hinh – một người có nhiều năm bán đồ chơi trung thu trên đường Hùng Vương cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu mối sản xuất đã chủ động tiết giảm số lượng sản phẩm, thêm vào đó, đường vận chuyển hàng từ nước ngoài cũng như hai đầu Bắc – Nam khó khăn hơn trước.

“Năm trước dù dịch chưa ảnh hưởng nặng, thị trường mua bán đã giảm. Vì thế năm nay, chúng tôi rút kinh nghiệm, nhập ít hơn với hy vọng có thể bán hết hàng sớm”, chị Hinh chia sẻ.

Tại đường Trần Hưng Đạo, đoạn giáp với khu vực cầu Phú Xuân, khung cảnh đa sắc màu của các loại đồ chơi trải dài trên một đoạn đường phố khiến nhiều người qua đường chú ý.

Hầu hết các mặt hàng được bày bán ở dãy phố này tập trung vào đầu lân, trống, quạt, các loại mặt nạ và một vài vật dụng âm thanh, đèn lồng… Chủ các sạp ở đây cho biết, hầu hết hàng được nhập từ các tỉnh phía Bắc về và gần như là các mặt hàng truyền thống, không có hàng Trung Quốc như nhiều năm về trước. Số lượng nhập giảm  nhiều, có sạp chỉ nhập 1/2 so với thời điểm này năm trước do lo ngại dịch COVID-19.

Chủ một sạp hàng ở tuyến phố này nói rằng, mỗi mặt hàng giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn nhưng do ảnh hưởng dịch, người mua không còn tâm lý thoải mái như mọi khi. Theo khảo sát của người này, dù mới trưng bày hàng được gần 10 ngày, nhưng số lượng sản phẩm bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Thời điểm này, người ta tập trung cho con nhập học, cộng với ảnh hưởng của dịch nên việc chi tiêu phần nào bóp lại”, chủ sạp hàng nói và cho biết, tình hình những ngày tới, nếu dịch diễn biến căng thẳng, hàng đồ chơi trung thu sẽ tiêu thụ chậm, thậm chí đứng hàng.

Tần ngần một hồi lâu để lựa chọn, chị Nguyễn Thu Hoài (phường Đông Ba, TP. Huế) quyết định mua cho con một cái đèn lồng và mặt nạ. Chị kể, giá các mặt hàng này giảm so với năm trước, giảm mạnh so với những năm trước đó nữa. Dù cũng đắn đo, nhưng vì muốn con cái giữ được nét đẹp của lễ hội truyền thống nên chị quyết định sắm đồ chơi dịp này. Nhưng theo quan sát của chị, nhiều phụ huynh khác quyết định tiết kiệm để tập trung vào chi phí học hành cho con, bởi nguồn thu giảm mạnh, việc kinh doanh buôn bán thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Không riêng gì thị trường đồ chơi, thị trường bánh trung thu năm nay khá ảm đạm. So với thời điểm này năm trước, số lượng cửa hàng di dộng chuyên bán các loại bánh trung thu giảm nhiều. Ở nhiều tuyến đường phố chính, dù vẫn có những sạp hàng được mọc lên nhưng lưa thưa. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhà sản xuất cũng đã tính toán sức mua, có lẽ vì thế mà số lượng hàng năm nay giảm, kéo theo đó hệ thống các sạp bày bán cũng sẽ giảm theo” – chị Nguyễn Vân, một người chuyên nhận bánh trung thu bán ở TP. Huế lý giải.

Trong khi đó, hệ thống “bánh nhà làm” của những cửa hàng bánh cũng xác nhận, lượng bánh được khách đặt hàng đến thời điểm này so với mọi năm giảm đáng kể. Anh Phương, chủ một cơ sở bánh nhà làm cho biết, mọi năm nhận 5.000 – 6.000 bánh, thì năm nay số lượng giảm còn 1/2, tức còn 2.500 – 3.000 bánh. Theo Anh Phương, năm trước nhiều người đặt bánh để biếu tặng, nhưng năm nay dịch bệnh, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn trong khi bánh nhà làm có thời hạn sử dụng ngắn, vì thế nhiều người quyết định không đặt hàng. Phần nữa, ảnh hưởng của dịch dẫn đến khó khăn tài chính, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn.

“Tình hình chung ai cũng gặp khó khăn, đó là chuyện dễ hiểu giữa mùa dịch. Vì thế, dựa trên những đơn hàng được đặt mình mới chuẩn bị nên không dám nhập nguyên phụ liệu về nhiều”, Anh Phương nói thêm.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Siết chặt quản lý thị trường bất động sản

Thời gian qua, giá bất động sản (BĐS) tăng cao, khiến cho thị trường vừa mới hồi phục đã xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn tình trạng “thổi giá”, gây nhiễu loạn thông tin, tránh để người dân trở thành nạn nhân của những đợt sốt đất ảo đã từng diễn ra.

Siết chặt quản lý thị trường bất động sản
Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

Trong bức tranh sáng của du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, du lịch Huế góp thêm những gam màu sáng về tăng trưởng mạnh lượng khách quốc tế và mở rộng các thị trường khách nước ngoài.

Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Đón xem xsmb 30 ngày
Return to top