ClockChủ Nhật, 20/09/2020 10:09

Thị trường đồ chơi trung thu... hẻo khách

TTH.VN - Khác với mọi năm, thị trường đồ chơi trung thu trên địa bàn TP. Huế năm nay vắng lặng hơn hẳn. Nhiều cửa hàng dự đoán được tình hình nên nhập sản phẩm hạn chế trong khi người mua thưa thớt.

“Vui Tết Trung thu cùng nghệ thuật Điềm Phùng Thị”Tổ chức “Đêm hội trăng rằm” cho gần 1.000 em nhỏ khó khănTổ chức Tết Trung thu cho trẻ em Quảng Điền

Khác với mọi năm, thị trường đồ chơi trung thu năm nay vắng khách

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đúng thời điểm trung thu nhưng nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi, các vật dụng phục vụ cho mùa lễ hội này đến giờ vẫn không mấy nhộn nhịp, người ra vào thưa thớt. Có người cũng chỉ lướt qua thăm dò giá cả, có người đắn đo một hồi lâu rồi mới quyết định mua. Đông nhất trong số đó vẫn là những người trẻ chọn mua đầu lân và trống loại cỡ vừa để phục vụ cho đội nhảy trong một vài ngày tới.

Dọc theo một số tuyến đường chuyên bán đồ chơi trung thu như Trần Hưng Đạo, Hùng Vương…, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng phục vụ lễ hội này trang trí với rất nhiều sản phẩm, đa dạng màu sắc và rất bắt mắt. Tuy nhiên so với mọi năm thì số lượng sản phẩm ít hơn rất nhiều trước lo ngại số lượng người mua giảm mạnh.

“Đúng như dự đoán, năm nay người mua rất ít. Bán cả ngày chỉ lèo tèo khách đến hỏi, không như các năm trước khách ra vô nườm nượp, bán rất đắt”, một người bán đồ chơi trung thu trên đường Hùng Vương nói.

Người này lý giải, một trong những nguyên nhân chính khiến lượng người mua đồ chơi trung thu giảm là do ảnh hưởng của dịch  COVID-19. Không ai dự đoán được khi nào dịch bệnh này kết thúc và người chơi cũng e ngại đám đông nên không dám… đầu tư.

Theo ghi nhận, các mặt hàng đồ chơi truyền thống xuất hiện ở các cửa hàng cũng tương tự, sức mua giảm dù sản phẩm phong phú. Cụ thể như mặt nạ ông địa giao động từ 30.000 – 60.000 đồng/cái, đèn ông sao, cá chép từ 20.000 – 50.000 đồng/cái, đèn lồng điện từ 70.000 – 100.000 đồng/cái tùy theo kích cỡ lớn bé....

Theo chị Thanh, một người kinh doanh mặt hàng này thì một trong những nguyên nhân mặt hàng này “ế” là do các trường học lo ngại tập trung đông người nên không tổ chức và mua đồ chơi trung thu nhiều như mọi năm. Chưa kể, người mua từ các huyện cũng chiếm một lượng lớn thì nay gần như chỉ lèo tèo một vài khách. “Nếu không có dịch COVID-19, giờ này hàng quán bán nhộn nhịp lắm. Đó là chưa kể phụ huynh đưa con đến mua rất nhiều”, chị Thanh kể.

Trò chuyện với chúng tôi sau khi đắn đo chọn mua đầu lân và cái trống cỡ lớn với tổng giá tiền hơn 1 triệu đồng trên quầy chuyên doanh mặt hàng này ở đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Phú Lực (17 tuổi, Phú Vang) tỏ ra “quan ngại”. Lực kể, mọi năm thời điểm này cả nhóm “ăn nên làm ra” nhờ đi nhảy lân được ở nhiều nơi quanh khu vực mình ở.

Nhưng năm nay thì khác, dù mua lân và quyết định đi nhảy nhưng vẫn e ngại. “Sợ năm ni dịch bệnh kéo dài, người ta làm ăn không được. Rồi cũng sợ tập trung đông người. Rất may đoạn ni dịch được kiểm soát nên tụi em mới quyết định “đầu tư” để chơi nhưng chưa biết tình hình những ngày tới sẽ ra sao”, Lực nói.

Cùng với thị trường đồ chơi dịp trung thu, thị trường bánh trung thu cũng là một trong những mặt hàng được quan tâm bởi đây là món quà không thể thiếu dành tặng cho những người thân trong gia đình vào dịp này. Đặc biệt, những năm gần đây thị trường bánh “nhà làm” nổi lên như là một sản phẩm quen thuộc. Tuy nhiên, theo khảo sát lượng khách đặt hàng bánh trung thu “nhà làm” cũng giảm mạnh. 

“Đơn hàng năm nay giảm 1/3 so với năm trước, dù giá cả và chất lượng vẫn giữ nguyên. Điều này cũng cho thấy sức mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước tình hình dịch bệnh, kéo theo sự ảnh hưởng của kinh tế”, chị A. – một người chuyên nhận đơn hàng bánh trung thu, nói. Mọi năm chị A. nhận trên 3.000 bánh và chốt đơn hàng vì không đủ sức để làm thì năm nay, đến thời điểm này chị nhận chưa đến 2.000 bánh.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top