ClockThứ Hai, 28/06/2021 06:45

Thu hẹp và phát triển

TTH - Sau sáp nhập, TX. Hương Trà còn 9 xã, phường. Theo Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Hà Văn Tuấn, để phát triển kinh tế - xã hội, Hương Trà sẽ nghiên cứu điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế và cách điều hành.

Xây dựng nông thôn mới sau sáp nhập: Nhiều khó khăn

Thu hoạch cây đặc sản thanh trà ở Lại Bằng, Hương Vân (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Có ý kiến cho rằng, chuyển giao 6 xã, phường cho thành phố, Hương Trà cũng mất luôn các thế mạnh phát triển du lịch ven sông, đầm phá, ven biển, du lịch di sản. Không còn các vùng nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản biển, đầm phá; các “vựa lúa”, “thủ phủ” trồng hành lá. Ngoài ra, các dự án lớn về du lịch (ở Hương Hồ, Hải Dương) hay các xã, phường giáp ranh có khả năng phát triển dịch vụ (như Hương Vinh, Hương An) và các địa phương có các dự án đấu giá quyền sử dụng đất khá cao nay cũng bàn giao...

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Hà Văn Tuấn cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội, Hương Trà sẽ nghiên cứu điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế và cách điều hành. Trước đây, địa phương xác định: Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, nay sẽ định hướng lại cơ cấu: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, lấy công nghiệp làm động lực phát triển, thúc đẩy dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng tận dụng lợi thế ven đô để xây dựng các vùng chuyên canh cung cấp lương thực - thực phẩm cho TP. Huế và các địa bàn lân cận.

“Mất nhiều thế mạnh sau khi thu hẹp một số đơn vị hành chính, nhưng chúng tôi có thuận lợi là nguồn lực đầu tư sẽ chỉ tập trung cho 9 phường, xã thay vì đầu tư dàn trải cho 15 xã, phường. Đặc biệt, tại các xã, phường còn lại, hầu hết các công trình hạ tầng quan trọng đã và đang được đầu tư. Hy vọng từ nay đến năm 2025, hạ tầng Hương Trà sẽ có sự thay đổi rõ nét, mạnh mẽ. Trong đó, Hương Trà đã lên kế hoạch phấn đấu đưa một số xã lên phường như Hương Toàn, Bình Tiến; hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao cho Hương Bình”, ông Tuấn nói.

Nguồn lực đầu tư phát triển của thị xã, một phần từ hỗ trợ, phân cấp của tỉnh, từ nguồn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngoài ra, là nỗ lực từ nguồn lực tại chỗ của địa phương để đầu tư hạ tầng. Theo đó, từ đầu năm đến nay, số tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất của Hương Trà là hơn 400 tỷ đồng và thị xã đã lên kế hoạch chuẩn bị cho những năm tiếp theo.

Tuy vậy, trong phát triển công nghiệp (CN), so với các địa phương, Hương Trà “yếu” hơn vì quy hoạch quỹ đất công nghiệp rất ít, diện tích còn rất nhỏ. Như hạ tầng Cụm CN Tứ Hạ hiện đã hết đất dù có rất nhiều nhà đầu tư muốn vào đây; Khu CN Tứ Hạ- Hương Văn mới đầu tư 37ha, sau khi trừ phần hệ thống đường, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải… thì chỉ còn hơn 20ha.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, địa phương đang lập quy hoạch mở rộng các cụm CN mới, gồm: Cụm CN Tứ Hạ 2, mở rộng cụm CN Tứ Hạ hiện có (giai đoạn 3), thành lập cụm CN ở Hương Vân, Hương Xuân, Hương Văn, Bình Thành.

“Chúng tôi cần tỉnh hỗ trợ cho thành lập các cụm CN mới trên địa bàn. Thị xã sẽ đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng. Nếu được tỉnh, các sở ngành liên quan hỗ trợ cho Hương Trà thì lĩnh vực CN của địa phương sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Tuấn đề xuất.

Trong nông nghiệp, Hương Trà sẽ tập trung làm các vùng rau màu chuyên canh ở vùng ven để cung cấp cho thành phố; phát triển các loại cây đặc sản có múi (bưởi, thanh trà, cam, quýt) ở vùng gò đồi, triển khai trồng thí điểm cây dược liệu dưới tán rừng. Trong đó, thị xã đã xây dựng đề án phát triển cây dược liệu và đang tìm các doanh nghiệp có tiềm lực để hợp tác triển khai.

Bài, ảnh: Vi Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1: Giải bài toán về nhu cầu

Các cơ quan, ban ngành liên quan cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) là yêu cầu của Ban Bí thư tại Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới (Chỉ thị 34). Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp phát huy hiệu quả của Chỉ thị này nhằm thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đầu tư 7.700 căn hộ.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 1 Giải bài toán về nhu cầu
Return to top