ClockChủ Nhật, 22/07/2018 11:48

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn: Sạch từ sản xuất đến bàn ăn

TTH - Sẽ hình thành 9 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (chuỗi) trong năm 2018 là khẳng định của ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

Kiểm tra an toàn thực phẩm trước mùa thiKiểm tra an toàn thực phẩm 67 cơ sở, nhà hàng ở TP. HuếMở lối cho thực phẩm sạch

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản

Theo ông Hồ Đăng Khoa, từ năm 2017 đến nay, tỉnh triển khai thí điểm xác nhận chuỗi cho 5 sản phẩm (SP) gồm: chuỗi gạo, chà bông, thịt heo của Công ty Quế Lâm; chuỗi gạo và thịt lợn của Công ty Huế Việt. Chi cục đang hướng dẫn xây dựng và chờ kết quả phân tích sẽ tiến hành công bố cho các chuỗi: gà kiến, chuối của HTX Nông sản an toàn A Lưới. Chi cục sẽ tiếp nhận các thủ tục công nhận chuỗi cho sản phẩm trứng gà của Siêu thị BigC; 3 loại rau ăn lá của Công ty Hoàng Mai; bưởi da xanh, đậu phụng, mè của Công ty Huế Việt; dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ hình thành tổng cộng 9 chuỗi với 15 sản phẩm nông sản (gạo, rau, quả, thịt heo, thịt gà, trứng gà...).

Ngoài các SP trên, một số SP nông lâm, thủy sản cũng có tiềm năng hình thành chuỗi, với khâu sản xuất ban đầu được cấp chứng nhận VietGAP như: vùng rau má Quảng Thọ, rau Quảng Thành, hành lá Hương An, chăn nuôi VietGAP ở Hương Thủy.

Số lượng chuỗi được công nhận hiện vẫn khá khiêm tốn. Để được công nhận chuỗi có quá khó khăn, thưa ông?

Việc xác nhận sản phẩm chuỗi áp dụng đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản; được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm khi có đủ các điều kiện về thủ tục giấy tờ và được cơ quan chức năng kiểm soát toàn bộ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt) đến sơ chế, chế biến, bảo quản và bày bán tại cửa hàng kinh doanh.

Sản phẩm bày bán tại cơ sở kinh doanh muốn được xác nhận chuỗi phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm theo quy định, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc; được sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất ban đầu đã được chứng nhận GAP hoặc tương đương; cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã cam kết sản xuất thực phẩm an toàn thì không yêu cầu phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tại các cửa hàng kinh doanh, sản phẩm đề nghị xác nhận chuỗi phải được cơ quan chức năng lấy mẫu giám sát và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn thực phẩm.

Như vậy, chủ cửa hàng bày bán sản phẩm mới đủ điều kiện đăng ký xây dựng chuỗi?

Đúng vậy. Xác nhận chuỗi là xác nhận cho sản phẩm tại cửa hàng bày bán chứ không phải xác nhận cho vùng trồng trọt ban đầu, đối tượng được xác nhận là các cửa hàng, siêu thị bày bán các loại nông sản trên cơ sở tự nguyện đăng ký xin xác nhận chuỗi, chứ không phải hộ nông dân sản xuất ban đầu. Trong mỗi cửa hàng thường chỉ có một vài sản phẩm đảm bảo được hồ sơ nguồn gốc được xác nhận chứ không phải tất cả các sản phẩm bày bán tại cửa hàng đều được xác nhận chuỗi. Đây không phải là một thủ tục hành chính mà là hoạt động hỗ trợ thí điểm xây dựng các chuỗi trên toàn quốc. Chi cục sẽ hướng dẫn và hỗ trợ tiến hành các thủ tục liên quan đối với các cơ sở có nhu cầu.

Cửa hàng, đơn vị bày bán chỉ cần đảm bảo giám sát được mối liên kết giữa các khâu từ sản xuất ban đầu, sơ chế đến chế biến và các khâu này phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm là có thể tiến hành xin xác nhận chuỗi.

Quế Lâm là doanh nghiệp tiên phong đăng ký và được chứng nhận chuỗi cho 5 sản phẩm an toàn. Ảnh: T.Huệ

Liên kết 3 nhà (sản xuất- chế biến- kinh doanh) là mấu chốt trong xây dựng chuỗi phải không, thưa ông?

Xây dựng chuỗi cả người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đều được hưởng lợi. Để hình thành 1 chuỗi, từ nơi sản xuất ban đầu đến nơi bày bán phải được kiểm tra chứng nhận và giám sát liên tục không thể bỏ qua 1 công đoạn nào và có thông tin truy suất nguồn gốc cả 3 công đoạn. Thiếu một mắt xích trong đó thì không thể công bố xác nhận chuỗi.

Muốn xây dựng được chuỗi nông sản an toàn, trước hết chúng ta phải xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi trong hợp đồng liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học. Nếu 1 doanh nghiệp thực hiện luôn cả 3 khâu sẽ rất thuận tiện trong quản lý và xây dựng chuỗi.

Kinh phí để thực hiện đăng ký 1 chuỗi có quá lớn?

Các thủ tục đăng ký không tốn phí, tuy nhiên phần kinh phí phân tích mẫu giám sát ban đầu trước xác nhận chuỗi do cơ sở tự chi trả hoặc Nhà nước hỗ trợ. Đây là một trong những khó khăn trong quá trình xây dựng chuỗi. Thường kinh phí phân tích mẫu để được xác nhận chuỗi trung bình khoảng 3-5 triệu đồng/mẫu. Một cửa hàng bày bán không thể bỏ ra kinh phí quá lớn để công bố chuỗi cho tất cả các sản phẩm được bày bán. Vì thế, Chi cục đang tranh thủ từ các nguồn kinh phí để có thể hỗ trợ chi phí ban đầu cho các chủ cửa hàng trong việc lấy mẫu phân tích. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục đã hỗ trợ hơn 140 triệu đồng để kiểm nghiệm trước và sau xác nhận chuỗi cho các cơ sở.

Ứng dụng công nghệ vào kiểm soát, truy suất nguồn gốc là xu hướng tại nhiều địa phương, Thừa Thiên Huế có ngoại lệ?

Sản phẩm được xác nhận chuỗi phải đảm bảo việc truy suất nguồn gốc thực phẩm. Việc truy suất nguồn gốc bằng cảm quan hay tìm kiếm thông tin sản phẩm trên internet không còn hiệu quả. Mới đây, Chi cục đầu tư xây dựng thí điểm ứng dụng quản lý truy suất thông qua việc cấp mã QR Code để truy xuất nguồn gốc thực phẩm (dán tem điện tử vào sản phẩm).

Với giải pháp này, người tiêu dùng chỉ cần một chiếc smartphone và kết nối mạng internet là có thể tra cứu thông tin chi tiết về thực phẩm (ngày sản xuất, hạn sử dụng, giá cả...), nhà sản xuất, nhà chế biến, nơi phân phối bằng mã QR Code. Không chỉ vậy, họ còn nhận được các chứng nhận khác liên quan đến chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp cung cấp cùng ý kiến phản hồi của những người tiêu dùng trước đó.

Thông qua giải pháp này, doanh nghiệp có thể tăng cường công tác theo dõi và quản lý chất lượng thực phẩm sau khi được bán ra thị trường, tránh cho người tiêu dùng mua phải thực phẩm bị làm nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài kinh phí phân tích mẫu, theo ông đâu là rào cản khiến các cơ sở bày bán chưa mặn mà với việc công bố chuỗi?

Hiện nay, thị trường vẫn chưa phân biệt rõ ràng giữa các sản phẩm an toàn và các sản phẩm không an toàn, sản phẩm được xác nhận chuỗi hay chưa. Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, cũng như áp dụng các ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, quản lý tạo ra sản phẩm có thể truy nguyên nguồn gốc.

Trên địa bàn tỉnh tuy có nhiều cơ sở đã hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhưng quy mô rất nhỏ nên vẫn chưa áp dụng đồng đều quy trình sản xuất phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Việc hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như rau, gạo, thịt, ít chú trọng đến các sản phẩm khác, nhất là rau.

Công tác quản lý sau công bố chuỗi được triển khai như thế nào, thưa ông?

Sau khi xác nhận chuỗi, hàng tháng chúng tôi thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ các nội dung đã được xác nhận và lấy mẫu kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất (khi cần thiết). Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm hoặc mẫu kiểm nghiệm không đạt yêu cầu, cơ quan chức năng sẽ thực hiện thu hồi giấy chứng nhận chuỗi đã cấp, công khai thông tin và áp dụng biện pháp xử lý theo quy định hiện hành. Cơ sở vi phạm có trách nhiệm điều tra xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục và đăng ký để cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hiệu quả khắc phục khi xem xét, xác nhận trở lại.

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG LOAN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

PMI:
Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng

Tổ chức S&P Global ngày hôm nay (4/11) công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó, ngành sản xuất ASEAN vào tháng 10/2024 đã ghi nhận sự cải thiện bền vững, mặc dù một lần nữa chỉ là mức cải thiện nhẹ.

Ngành sản xuất ASEAN duy trì tăng trưởng
Xanh như công viên, sạch như bệnh viện

Đó là khẩu hiệu được Bệnh viện Trung ương Huế cụ thể hóa từ phát động của Bộ Y tế. Nhiều hoạt động xây dựng môi trường trong lành, thân thiện, góp phần khống chế dịch bệnh, mang lại cả lợi ích cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top