Thông tin trên khiến người tiêu dùng vui mừng đón nhận, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp về triển vọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.
Ăn gì cũng sợ là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng trước “ma trận” thực phẩm bẩn. Trên diễn đàn Quốc hội có vị đại biểu đã ví von “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Trong bối cảnh đó, “thực phẩm sạch”, “thực phẩm an toàn”, “thực phẩm hữu cơ” càng thu hút được người tiêu dùng. Thế là các cửa hàng thực phẩm treo biển “sạch, an toàn, hữu cơ” đua nhau mọc lên. Tất nhiên, đi kèm với “sạch, an toàn, hữu cơ” là giá bán chẳng rẻ chút nào. Nếu đúng chất lượng như quảng cáo thì chẳng có gì cần bàn, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng rút hầu bao. Nhưng thực tế, sản phẩm sạch, an toàn hay hữu cơ đúng nghĩa chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn đa phần là tự phong.
Theo thông tin của tác giả Tâm Huệ đăng trên Báo Thừa Thiên Huế, trên địa bàn TP. Huế có hơn 10 cửa hàng trưng bày và bán các thực phẩm tiêu dùng hàng ngày như rau, củ quả, thịt, trứng… được gắn mác an toàn, nhưng hầu hết chưa được cơ quan chức năng chứng nhận. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 4 sản phẩm (3 sản phẩm gạo, 1 sản phẩm thịt) của Công ty Quế Lâm nuôi trồng được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận.
Không vơ đũa cả nắm, cái “sạch, an toàn” mà người sản xuất, kinh doanh quảng cáo có thể được nuôi, trồng khác với các sản phẩm thông thường khác và có một số tiêu chí đáp ứng được yêu cầu sạch, như không dùng thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, sử dụng nước không bẩn… Tuy nhiên để được chứng nhận là sạch, an toàn cần phải đáp ứng thêm một số tiêu chí khác. Điều quan trọng nhất là phải được cơ quan chức năng chứng nhận.
Ưu điểm sản phẩm sạch đã rõ, người tiêu dùng chấp nhận nhưng tại sao các thực phẩm sạch, hữu cơ lại hiếm đến thế. Do khó nuôi trồng hay còn có những nguyên nhân khác. Tại một số hội nghị tầm quốc gia, các doanh nghiệp cũng đã chỉ rõ nguyên nhân là chi phí chứng nhận cao, thủ tục phức tạp; trong khi đó hành lang pháp lý cho việc đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ chưa thực rõ ràng; chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn; chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ tính răn đe… Bởi vậy, sản phẩm sạch- bẩn, hữu cơ - không hữu cơ vẫn “vàng thau lẫn lộn”, thực phẩm sạch khó tiêu thụ hơn do giá cao, mẫu mã không bằng thực phẩm bẩn…
Với thực tế trên, việc có một nghị định về nông nghiệp hữu cơ là điều được mong đợi và kỳ vọng. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, dự thảo nghị định đã trình lên Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1/2018. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nhận biết và tạo niềm tin trong người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm hữu cơ thực sự, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Hoàng Giang