Sáng nay (12/7), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết ngành tài chính năm 2019 nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Đảng, Quốc hội, các Sở Tài chính, Cục Hải quan, Cục Thuế...
Hội nghị về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tính đến hết tháng 6/2019, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 745,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, thu nội địa đạt 51,1% dự toán, tăng 13,6%; thu dầu thô đạt 68% dự toán, bằng 100,7% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 59,8% dự toán, tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2018.
Ông Tuấn nhận định, cả thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều đạt khá; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 51,5% dự toán, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Thu ngân sách địa phương đạt 54,3% dự toán, với 50/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.
Về chi ngân sách, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, chi 6 tháng đạt 666,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018.
"Công tác quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ, theo đúng dự toán", Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Cân đối ngân sách 6 tháng đầu năm được đảm bảo, Bộ Tài chính đã phát hành 112,1 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay của ngân sách trung ương theo dự toán, trong đó đã trả nợ gốc tiền vay là 104 nghìn tỷ đồng, và nhận nợ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (7 nghìn tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 13,46 năm, lãi suất bình quân 4,86%/năm.
Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN nửa cuối năm 2019, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế, nhất là trong các lĩnh vực thuế, tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, đổi mới đơn vị sự nghiệp công; thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hóa, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử... Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế...
Theo VOV