|
Nữ nông dân Hồ Thị Dung (trái) "khoe" vụ hoa phục vụ dịp tết |
Khu vườn rộng mênh mông của bà Dung thật hút mắt bởi sự mơn mởn sắc xanh của rau, khu vực kia hoa cúc Đà Lạt đủ màu vàng, đỏ, hồng tím, trắng…; hoa vạn thọ đua nhau khoe sắc. Lúc đó tầm 14 giờ, khi cái nắng của những ngày giáp tết vẫn đang khá “gắt”, nhưng trên vườn nhà bà Hồ Thị Dung đã nhộn nhịp mua bán. Những mối quen của bà Dung đang đích thân “lội” vào những vồng hoa cúc, nâng niu nhổ từng gốc hoa, cẩn thận bảo quản. Phụ một tay vào việc thu hoạch hoa, bà Dung nở nụ cười chân chất và hài lòng bởi thành quả lao động của mình. Người phụ nữ luống tuổi nói rằng, cả đời bà gắn bó với đất, với vườn, chưa bao giờ để một tấc đất được “nghỉ ngơi”. Khi cái tết đang cận kề, cánh đồng rau, hoa đang xanh tươi khoe sắc, là niềm vui của người nông dân.
Bà Dung kể, công việc của bà là trồng rau, trồng hoa quanh năm. 5 sào rau (mùa nào thức nấy) và 5 sào hoa, cùng với sự chăm chỉ lao động, đã mang đến thu nhập, cuộc sống ổn định, có của ăn của để cho gia đình bà. Đặc biệt, cũng như những hộ trồng trọt trên địa bàn, qua tháng 10, bà Dung đã chuẩn bị cho vụ tết bằng những loại rau, hoa phù hợp và tính toán thời gian trồng để có rau, hoa bán những thời điểm người tiêu dùng cần nhất.
“Đối với rau, chúng tôi tập trung trồng các loại cải cay, cải ngọt, tầng ô, các loại rau dền, hành, bia rô, rau thơm, ớt… Để phục vụ thị trường tết, nhất là những ngày từ 29-30 tết cho đến rằm, gia đình tôi trồng số lượng rau tăng gấp đôi so với những tháng bình thường trong năm. Đây là thời điểm xe vận chuyển rau củ quả từ phía Nam chưa ra được, thị trường khan, nên chúng tôi phải “tăng tốc” tận dụng cơ hội phát triển sản xuất, tăng cao thu nhập.
Người phụ nữ nông dân lại nở nụ cười chân chất và nhẹ nhõm khi kể về quá trình chăm bón rau. Thức khuya dậy sớm để vào phân, làm cỏ, tưới tắm cho rau. Đặc biệt khi rau bị sâu, bà con trên địa bàn dùng nước ớt (loại ớt Cu Ba rất cay, do mỗi gia đình tự trồng và chế biến, dự trữ) để bơm (chứ không phun thuốc trừ sâu), với mục đích bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. “Tết này rau được mùa, giá có hạ hơn, nhưng bù lại, sản lượng rau tăng cao nên chúng tôi vẫn có lãi cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, hoa phục vụ tết cũng mang lại nguồn thu nhập tốt cho nhiều gia đình trên địa bàn. Hoa cúc vàng, người ta đến mua tại vườn, tôi bán giá 5 nghìn đồng; nếu mang ra chợ có giá 10 nghìn đồng/cây. Hoa vạn thọ mỗi cây 15 nghìn đồng. Cũng có loại hoa cúc các màu, bán tại vườn giá 3 nghìn đồng/cây. Hiện, gia đình tôi đã tính toán và trồng số lượng hoa “lệch” về thời gian, để đảm bảo từ nay đến trong tết, ra rằm tháng giêng, lúc nào cũng có hoa bán”- bà Dung bộc bạch, tăng số lượng rau, hoa, là không chỉ tăng thu nhập, mà là cách mà mỗi gia đình muốn tăng màu xanh và những sắc màu hoa lá rực rỡ, để cảnh quan, môi trường trên địa bàn thêm đẹp khi dịp tết đến xuân về.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh: Hộ bà Hồ Thị Dung nói riêng và những hộ nông dân với tinh thần cần cù lao động trên địa bàn xã, là những tấm gương phát triển kinh tế gia đình, đồng thời có những đóng góp không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của địa phương.