Ông Nguyễn Văn Lịch chăm sóc vườn cây thanh trà
Hiệu quả đa dạng
“Giấc mơ” trang trại của ông Nguyễn Văn Lịch nay đã thành hiện thực. Nhưng, ông làm trang trại không như nhiều mô hình mà nông dân ở địa phương lựa chọn: Trang trại khép kín an ATSH. Là một trong những trang trại kiểu mẫu về sản xuất ứng dụng công nghệ vi sinh, với ông Lịch không phải “một sớm một chiều” mà có.
Sau nhiều lần thất bại, gặp khó khăn với mô hình chăn nuôi lợn nông hộ, “quay cuồng” giữa dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Lịch thành lập mô hình chăn nuôi lợn kết hợp trồng thanh trà, bưởi da xanh khép kín với quy mô bình quân 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái và 2ha thanh trà.
Ông Lịch nhớ lại: “Mấy năm trước, khi đem mô hình về, 20 hộ dân đăng ký tham gia rồi “thưa dần” chỉ còn 3 hộ. Lúc đó, người dân không biết kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi ATSH là cái gì. Không ai nghĩ chăn nuôi nông hộ, trang trại mà không dùng đến nước tắm cho lợn; không ô nhiễm, bán được phân lợn... Nhưng đó là sự thật, khi mô hình đi vào vận hành mới thấy được vô vàn cái lợi”.
Thành lập tổ hợp chăn nuôi, ông Lịch được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ nguồn vốn xây dựng chuồng trại (theo tiêu chuẩn kỹ thuật phía tập đoàn cung cấp), cung ứng vật tư, thức ăn và giám sát kỹ thuật đầu vào. Quan trọng hơn, đầu ra được cam kết bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường.
Hiệu quả rõ nhất là năm 2020, 2021, nằm trong tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Phong Điền cũng như nhiều địa phương khác phải “quay cuồng” trong dịch bệnh, nhiều hộ dân tay trắng, phá sản; thế nhưng trang trại nuôi hơn 100 con lợn thịt, lợn nái của ông Lịch vẫn “bình an vô sự”. Vượt qua dịch bệnh, với giá thu mua ổn định 65 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi, bình quân mỗi con lợn 80-100kg, ông Lịch lãi 800-1 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi vào khu chuồng nuôi lợn, ông Lịch giới thiệu về mô hình chăn nuôi khép kín, ATSH như một kỹ sư nông nghiệp thực thụ. Ông bảo: “Điểm mấu chốt của chăn nuôi lợn ATSH ở chỗ sử dụng công nghệ vi sinh, đệm lót sinh học, không sử dụng nước tưới tắm cho lợn nên chuồng nuôi không có mùi, không ô nhiễm. Mô hình khép kín tức đầu ra của cái này là đầu vào của cái kia. 1 năm nuôi 2 lứa lợn được 20 tấn phân từ đệm lót sinh học, số lượng này quay ra phục vụ bón cho bưởi, thanh trà...”.
“Giấc mơ” nông trại sinh thái
Mọi năm, với 2ha thanh trà, gia đình ông Lịch cũng phải “đổ” vào đó chừng 20 triệu đồng tiền phân bón các loại. Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, lượng phân bón dồi dào đã giúp nâng cao sản lượng, chất lượng cây thanh trà. Nằm ven sông Ô Lâu, đất Phong Thu vốn được bồi đắp một lượng phù sa lớn hàng năm, cây thanh trà ở đây mang lại thu nhập khá cho người nông dân. Vốn là nông dân “sống chết” với cây thanh trà, ông Lịch ôm giấc mơ cải tạo vườn cây, nâng cao thu nhập từ cây thanh trà trong trang trại. Qua 3 năm tham gia mô hình, 2ha bưởi, thanh trà của ông Lịch ở khu vực ven sông Ô Lâu đã “thay da đổi thịt”. Trồng thanh trà bón phân hữu cơ thu từ chăn nuôi lợn như trang trại ông Lịch không cần phải đào hố phân, hoai ủ. Sau mỗi lứa lợn xuất chuồng, ông Lịch thu 10 tấn phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, không chỉ đủ bón cho cây trồng mà con xuất bán 1 tấn 1 triệu đồng.
Với 1ha thanh trà khoảng 200 cây (bình quân mỗi cây cho thu 100kg quả), ông Lịch “bỏ túi” 6-7 trăm triệu đồng/năm. Cùng với mô hình chăn nuôi lợn, bình quân trang trại ông Lịch thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, ông Lịch còn đầu tư hệ thống tưới tự động (phun nước từ ngọn cây thanh trà), đường bê tông nội bộ trong khu vườn thanh trà để chuẩn bị làm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Dự kiến sẽ mở tour từ sông Ô Lâu, kết nối làng cổ Phước Tích, tham quan vườn thanh trà cùng các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm thông tin, điểm khác biệt cơ bản của mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín, ATSH của Quế Lâm so với các mô hình khác là áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại nhất trên thế giới trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường; sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn và nước uống, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và tăng tính miễn dịch và chống lại một số vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi; dùng chế phẩm vi sinh bổ sung vào đệm lót sinh học.
Riêng tại Thừa Thiên Huế, thời gian 13 năm qua, Tập đoàn đã đầu tư 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, 1 tổ hợp chăn nuôi ATSH 4F tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, 3 công ty trực thuộc tập đoàn để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, cùng với các hợp tác xã và hàng trăm hộ nông dân liên kết sản xuất nông sản hữu cơ và chăn nuôi ATSH với khoảng 500ha lúa và các cây hoa màu các loại, khoảng 250 lợn nái và 5.000 lợn thịt tại thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, Quảng Điền.
Quy trình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm được Bộ NN&PTNT ban hành làm tài liệu phổ cập, trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ. Chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình khép kín với các tổ hợp được triển khai ở nhiều địa phương không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, trở thành giải pháp cho chăn nuôi nông hộ, gia trại, mà còn hướng đến chăn nuôi theo trang trại lớn và cả chăn nuôi công nghiệp.
Bài, ảnh: Hà Nguyên