ClockThứ Năm, 21/09/2017 08:37

Thủ tướng: Không dùng vốn vay từ các nhà tài trợ cho lĩnh vực mà tư nhân có thể đầu tư

TTH.VN - Tiếp Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Thủ tướng đã nêu ra một số định hướng sử dụng vốn vay từ các nhà tài trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam

Chiều 20/9, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Giám đốc WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của WB cho Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt đã xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi tốt nghiệp nguồn vốn IDA phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao WB đã xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam-WB (CPF) để làm cơ sở cho hợp tác 2 bên giai đoạn tới trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA của WB từ ngày 1/7.

Về phần mình, ông Ousmane Dione chúc mừng thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua và nhìn nhận “một số cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng thúc đẩy thời gian gần đây gồm cải cách về thuế, giải quyết nợ xấu đều là cải cách hết sức quan trọng, cần thiết đối với Việt Nam”. 

“Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hợp tác với các cơ quan Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy các cải cách cần thiết này”, Giám đốc quốc gia WB bày tỏ và đề xuất Chính phủ Việt Nam nghiên cứu, cân nhắc thành lập một đơn vị điều phối cải cách như kinh nghiệm thành công ở một số nước.

“Tôi mong muốn được nghe ý kiến của Thủ tướng về việc thời gian tới chúng ta cùng hợp tác ở lĩnh vực nào nhiều hơn nữa”, ông Ousmane Dione nói và mong muốn được biết đâu là lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn hỗ trợ.

Đánh giá cao đề xuất này của Giám đốc quốc gia WB, Thủ tướng khẳng định, thời gian qua, ODA và vốn vay ưu đãi của WB đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng tới việc sử dụng hiệu quả vốn vay. Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã thường xuyên họp cùng các bộ, ngành, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tập trung các giải pháp để quản lý và sử dụng hiệu quả các dự án.Trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp IDA và sẽ tốt nghiệp ADF của ADB (dự kiến vào năm 2019), vốn ODA đang giảm dần và sắp tới chỉ còn vốn vay ưu đãi như nguồn IBRD của WB, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các bộ cập nhật và điều chỉnh định hướng sử dụng vốn vay từ các nhà tài trợ để trình Thủ tướng ban hành trong quý IV/2017 theo hướng thu hẹp lĩnh vực ưu tiên và không dùng nguồn vốn này để đầu tư những lĩnh vực mà tư nhân có thể đầu tư.

Thủ tướng đề nghị WB hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề này để sớm đưa ra định hướng phù hợp bối cảnh hiện nay để trình Chính phủ quyết định và định hướng này phải bảo đảm góp phần giúp Việt Nam giải quyết được các nút thắt về thách thức phát triển mà hai bên đã nhìn nhận trong Báo cáo Việt Nam 2035 và phù hợp định hướng, mục tiêu của Đảng và Chính phủ đã đề ra; bảo đảm an toàn nợ công; bảo đảm tận dụng tối đa kinh nghiệm và kiến thức toàn cầu của WB để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển.

Để hỗ trợ cho các cơ quan, địa phương có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi trong thời gian vừa tốt nghiệp vốn IDA, Thủ tướng đề nghị WB tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản viện trợ không hoàn lại để giảm tối đa chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay.

Về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn vay, Thủ tướng đề nghị Giám đốc quốc gia WB thảo luận thêm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ của Việt Nam; đồng thời gợi ý một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu, hạ tầng liên vùng, nguồn nước, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, vốn vay có liên quan đến vấn đề nợ công nên Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “những gì tư nhân làm được thì chúng tôi đề nghị để tư nhân làm”.

Về huy động vốn cho các công trình cơ sở hạ tầng quy mô lớn và liên vùng, Thủ tướng đề nghị WB tiếp tục hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý để huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Bày tỏ cảm ơn sự hợp tác của Việt Nam thời gian qua, Giám đốc quốc gia WB cho biết, hiện WB cũng đang tính toán các biện pháp để huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả cho Việt Nam.  Ông cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa WB với Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn nữa, nhất là trong triển khai các dự án ODA, vốn vay ưu đãi; nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo, nâng cao vị thế các thương hiệu sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Ông cho biết, WB đã xây dựng một báo cáo về an toàn thực phẩm Việt Nam, báo cáo về mâu thuẫn lợi ích ở Việt Nam, báo cáo hiện đại hoá ngành nông nghiệp của Việt Nam. Và tại cuộc tiếp, Giám đốc quốc gia WB đã gửi Thủ tướng những báo cáo này.

“Bất cứ điều gì tốt cho Việt Nam thì cũng tốt cho WB”, ông Ousmane Dione bày tỏ.

Cảm ơn tình cảm mà lãnh đạo WB dành cho Việt Nam, Thủ tướng khẳng định cam kết Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA. “Bất cứ đề xuất nào của ngài chúng tôi sẵn sàng lắng nghe. Chính phủ hành động cũng là Chính phủ lắng nghe nữa”, Thủ tướng nói.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cẩn thận với các hình thức đầu tư đa cấp

Đang ngủ trưa thì tôi bị thằng bạn gọi dậy, nghe giọng hốt hoảng: “Bạn ơi, tôi mất một tỷ đồng, trắng tay rồi”. Hóa ra, nó đầu tư theo hình thức đa cấp, lấy lãi cao vào Công ty TNHH Tư vấn đầu tư G. chi nhánh Huế.

Cẩn thận với các hình thức đầu tư đa cấp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 6 nội dung để ACMECS bứt phá trong giai đoạn tới

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 7/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) lần thứ 10 có chủ đề “Hướng tới kết nối thông suốt vì một tiểu vùng Mekong hội nhập” được tổ chức với sự tham dự của người đứng đầu Chính phủ, Trưởng đoàn các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 6 nội dung để ACMECS bứt phá trong giai đoạn tới
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

TIN MỚI

Return to top