Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu mở đầu, định hướng thảo luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao báo cáo của Bộ TM&MT, một bản báo cáo được chuẩn bị công phu, nêu ra nhiều vấn đề.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận nhiều hơn, nói thẳng, nói thật về các vướng mắc, bức xúc hiện nay trong ngành, các vấn đề nổi cộm cần tập trung xử lý, như vấn đề xã hội hóa một số lĩnh vực trong ngành TN&MT; vướng mắc về thủ tục hành chính, phân cấp, giao quyền; việc đánh giá môi trường (DTM) tại các dự án; vấn đề phẩm chất, đạo đức, năng lực cán bộ; vấn đề hạn chế sử dụng túi nylon, rác thải nhựa, rác thải đại dương, xử lý rác thải ở nông thôn; tình trạng ô nhiễm tại một số dòng sông, hạ mực nước ngầm do khai thác bừa bãi, quản lý đất đai nông, lâm trường, khai thác cát… và nhất là thể chế, chính sách để giải phóng, tạo điều kiện cho hệ thống TN&MT phát triển, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Đề cao vai trò của các tổng cục, các cục thuộc Bộ TN&MT, các sở TN&MT, UBND các tỉnh trong xử lý các vấn đề này, Thủ tướng cho biết, phương châm hành động “12 chữ” của Chính phủ có chữ “bứt phá” và đặt vấn đề ngành TN&MT sẽ bứt phá như thế nào.
Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ TN&MT trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế trước mắt.
Cụ thể, Bộ đã tích cực đổi mới phương thức quản lý môi trường từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa. Bộ đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 97,2% diện tích cần cấp. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, việc Bộ TN&MT đạt được các kết quả quan trọng cho thấy “chúng ta đã đi đúng hướng, tạo ra những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”. Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương làm tốt trong lĩnh vực này như: Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Nam…
Về các mặt tồn tại, hạn chế của ngành TN&MT, Thủ tướng dẫn thông tin từ một cuộc khảo sát xã hội, trong đó có câu hỏi “vấn đề lo lắng nhất trong cuộc sống hiện nay là gì?”; kết quả là có 4/14 điều liên quan đến ngành TN&MT. “Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”, Thủ tướng chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra tình trạng quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, sai phạm; mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương buông lỏng quản lý, còn xảy ra tình trạng khai thác đá, cát sỏi trái pháp luật... Thủ tướng cũng đề nghị phải xem xét thận trọng việc cho phép mở rộng các nhà máy xi măng trước tình trạng nhiều núi đá vôi bị khai thác triệt để. Tại một số đô thị, nội đô ngập nặng, “đường biến thành sông” khi gặp mưa lớn. Một số cán bộ trong hệ thống TN&MT chưa gương mẫu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thậm chí có cán bộ tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn....
Thủ tướng nêu 4 vấn đề trọng tâm đặt ra cho năm 2019 và các năm sau đối với Bộ TN&MT.
Thứ nhất, theo dự báo, Việt Nam là một công xưởng lớn của thế giới và một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm dịch vụ cạnh tranh của khu vực và trên toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ quan trọng. Ngành cần có giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ này, “phải coi chừng tình trạng thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu đổ dồn vào Việt Nam”.
Thứ hai, một câu hỏi đặt ra với Bộ TN&MT là làm thế nào để có thể chung tay bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba là ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thủ tướng đặt bài toán này cho ngành TN&MT trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Trong biến đổi khí hậu chung của cả nước, Thủ tướng đặc biệt lưu ý biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, sạt lở sông biển ở miền Trung và sạt lở núi cũng như lũ quét, lũ ống ở miền Bắc.
Thứ tư là vấn đề xã hội hóa nguồn lực, kinh tế tài chính trong TN&MT.
Nêu rõ phương châm hành động năm 2019 của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “bứt phá” và đề nghị phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật về môi trường, “làm sao giảm tình trạng xin - cho, công khai minh bạch, có chế tài xử lý nghiêm vi phạm, nhanh chóng, thuận lợi, phân cấp mạnh mẽ...”.
Thủ tướng đồng tình với mục tiêu mà Bộ TN&MT đặt ra trong năm 2019 là phải rà soát để hoàn thiện tất cả các quy chuẩn về môi trường tiệm cận với quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực để thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cần ban hành bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố.
Nhấn mạnh yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả quản lý, Thủ tướng đề nghị ngành cần khẩn trương xây dựng và hoàn thành 4 quy hoạch trong 2 năm tới: Quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch môi trường quốc gia.
Bày tỏ quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất đai, Thủ tướng lưu ý bất cập trong định giá quyền sử dụng đất. Cần đổi mới công tác định giá đất theo các chuẩn mực quốc tế, chống thất thoát, lãng phí.
Hiện nay, còn khoảng 1,9 triệu ha đất chưa sử dụng, Thủ tướng yêu cầu rà soát, xác định quỹ đất này để đưa vào sử dụng hiệu quả, trong đó phải phủ xanh diện tích đất trống, đồi núi trọc.
Cần chú trọng các nguy cơ liên quan đến sạt lở, lún sụt, động đất cũng như khám phá các giá trị địa chất Việt Nam để bảo vệ, phát triển du lịch. Phải tiếp tục quản lý tốt hơn việc khai thác cát lòng sông. Có phương án phục hồi các dòng sông “chết”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngày càng tăng, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải ngang tầm nhiệm vụ. Bộ TN&MT cần phấn đấu trở thành ngọn cờ đầu trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ngành TN&MT cần đi đầu trong phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm.
Theo VPCP