Thị trấn Phú Đa sẽ là vị trí trung tâm trong hệ thống kết nối đến tuyến các xã ven biển Phú Vang, tạo động lực phát triển dịch vụ du lịch
Theo ông Lê Hữu Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, sau khi sáp nhập 5 xã, thị trấn: Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, Thuận An vào TP. Huế, khó khăn lớn nhất của huyện là nguồn thu ngân sách Nhà nước giảm mạnh. Bởi trước đó, nguồn thu tiền sử dụng đất, các nguồn thu thường xuyên (thuế, phí, lệ phí, hoa lợi công sản, bãi tắm...) tập trung vào 5 xã, thị trấn đã sáp nhập (chiếm khoảng 60-70%). Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, định hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới của Phú Vang là tập trung phát triển dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế các xã, thị trấn ven biển đầm phá tăng trưởng nhanh, bền vững.
Theo đó, huyện tập trung đầu tư công tác chỉnh trang quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng cảnh quan môi trường, sắp xếp và nâng cấp lại hoạt động kinh doanh các bãi biển Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An để phát triển dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế các xã, thị trấn ven biển. Do vậy, các dịch vụ công cộng như: nhà vệ sinh, bãi giữ xe, quầy thay đồ, nhà tắm nước ngọt và các khu vui chơi tại các bãi biển được phát triển và hoàn thiện.
Hiện, Phú Vang đã tập trung xây dựng một số lô quầy bán hàng lưu niệm tại các bãi tắm, các điểm du lịch, với mặt hàng chủ yếu là những sản phẩm đặc trưng của địa phương như: nước mắm, ruốc Phú Thuận, Phú Hải; nước ớt Vinh Xuân; tôm chua, rượu gạo, các loại thủy sản khô, sản phẩm mộc mỹ nghệ...
Địa phương tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (DA) đầu tư lớn, trọng điểm như dịch vụ sân golf, dịch vụ cao cấp tại các xã ven biển Vinh Thanh, Vinh Xuân; khu nghỉ dưỡng, giải trí tại Vinh Thanh; DA quần thể du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp FLC Huế tại xã Vinh Xuân.
Đồng thời, tiếp tục phát triển loại hình du lịch cộng đồng đầm phá và dịch vụ ẩm thực tại đầm Chuồn; triển khai phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tạo việc làm phi nông nghiệp, tăng thu nhập kinh tế - xã hội cho cộng đồng người dân địa phương tại khu vực đầm Chuồn trên địa bàn xã Phú An thông qua DA Luxdev tài trợ.
Theo ông Lê Hữu Ngọc, để Phú Vang phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới, thông qua ngành kinh tế mũi nhọn dịch vụ - du lịch, thì phải xây dựng thị trấn Phú Đa thành điểm đến và kết nối các khu vực lân cận với dịch vụ ven biển, đầm phá, tạo thuận lợi, thu hút khách du lịch, hàng hóa “lưu thông” với các điểm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại tuyến các xã ven biển Phú Vang.
Theo đó, hệ thống hạ tầng, trục giao thông kết nối giữa TP. Huế với Phú Đa - Vinh Xuân - Phú Diên; thị xã Hương Thủy - Phú Đa - Vinh Xuân..., phải được đầu tư, xây dựng. Tuy nhiên, với khoảng gần 3 nghìn tỷ đồng để xây dựng hệ thống hạ tầng nêu trên, nguồn lực của địa phương không thể đáp ứng, mà cần có nguồn lực của tỉnh. Phú Vang rất cần tỉnh quan tâm tạo cơ chế, chính sách đặc thù sau khi 5 xã, thị trấn sáp nhập vào TP. Huế, đầu tư về hạ tầng, tạo động lực, hỗ trợ mới, cho Phú Vang tăng tốc trong chiến lược phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, ông Lê Hữu Ngọc nhấn mạnh: Quan trọng hiện nay đối với Phú Vang là đẩy mạnh công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy hoạch để đảm bảo nguồn lực phát triển bền vững sau này. Bên cạnh đó, trước mắt, Phú Vang đang tăng cường nhân rộng và áp dụng các mô hình sản suất, nuôi trồng thủy sản..., nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
Bài, ảnh: QUỲNH ANH