Trong bối cảnh kỷ nguyên số, số hóa dịch vụ sâu rộng và tác động đa chiều của dịch COVID-19, thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế và ưu tiên của người dùng.
Mới đây, (18/2) VNPT Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội không dùng tiền mặt - đây là sự kiện hướng dẫn khách hàng thanh toán hóa đơn qua ví điện tử VNPT Money hoặc qua các ứng dụng online khác thay cho phương thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống.
Phó Giám đốc VNPT tỉnh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Thủy thông tin: Ngày hội KDTM nằm trong chuỗi hoạt động đưa khách hàng lên môi trường số của VNPT Thừa Thiên Huế trong năm 2023, tạo dựng thói quen thanh toán KDTM trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. “Với sự thân thiện, đơn giản và dễ sử dụng, VNPT Money sẽ góp phần giúp cho các hoạt động thanh toán không tiền mặt ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện ngay cả người cao tuổi; là một trong những yếu tố góp phần đưa mục tiêu thanh toán KDTM mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra sớm trở thành hiện thực. Ngoài ra, VNPT Money còn có Mobile Money nên phù hợp với nhiều người dân không có điện thoại thông minh để sử dụng”, ông Thủy nói.
Có mặt tại chương trình, bác Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi), người dân TP. Huế vui mừng: “Ban đầu tôi cũng ngại lắm vì nghĩ mình kém công nghệ. Không ngờ được hướng dẫn cài đặt, dùng thử rồi mới thấy tiện lợi, nhanh gọn thật sự. Ứng dụng giúp khách hàng thanh toán dịch vụ như điện, nước, cước viễn thông CNTT… mà không tốn phí, từng bước thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày”.
Chị Thanh Ngọc, chủ cửa hàng thực phẩm trên đường Nguyễn Huệ cho biết: “Bên cạnh việc thanh toán tiền mặt, cửa hàng luôn khuyến khích khách thanh toán thông qua chuyển khoản, quẹt thẻ, quét mã QR hay một số ứng dụng như ZaloPay; VNPT Money... để sử dụng các “mã giảm giá”. Việc khách hàng thanh toán KDTM cũng tránh cho nhân viên bán hàng khỏi những sơ suất (tiền thật, tiền giả, trả nhầm...) đáng tiếc”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thực tế, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Thời gian qua, VNPT đồng hành cùng UBND tỉnh cung cấp các giải pháp, như hóa đơn điện tử, vé điện tử, và sắp tới là hóa đơn điện tử thông qua máy tính tiền của khách hàng… những giải pháp này ứng dụng CNTT trong thương mại điện tử về mua bán, thanh toán. Ngoài ra, khách hàng có thể đăng ký sử dụng dịch vụ chữ ký số điện tử của VNPT và có thể sử dụng dịch vụ để ký số hoặc thanh toán mọi lúc, mọi nơi, đơn giản, thuận lợi và an toàn trên mọi thiết bị”, ông Thủy cho hay.
Mobile money là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại. Thống kê của VNPT, gần 90% các giao dịch thanh toán của khách hàng sử dụng Mobile Money tập trung vào các dịch vụ thiết yếu (điện, nước, viễn thông, tiêu dùng hàng ngày) và các dịch vụ hành chính công. Những con số này phản ánh tính thiết thực của dịch vụ cũng như cho thấy mức độ quan tâm của người dân với dịch vụ Mobile Money hiện nay. “Với những nỗ lực không ngừng, chúng tôi mong muốn được chung tay cho chiến lược thanh toán KDTM quốc gia, giúp mỗi người, mỗi nhà tiếp cận với những dịch vụ tài chính số với nhiều lợi ích thật sự thiết thực” - Phó Giám đốc VNPT tỉnh Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.