Lợi ích và nguy cơ khi triển khai, vận hành các dự án thủy điện đang song hành với nhau. Giải quyết bài toán thiếu hụt năng lượng và cân bằng môi trường sống của con người phải đặt trong mối tương quan, không đánh đổi môi trường sống bằng mọi giá để xây dựng các dự án thủy điện.
Các dự án thủy điện được xây dựng sau khi bạt núi, xẻ rừng
Năm 2020 xảy ra nhiều tai biến thiên tai, đỉnh điểm là vụ sạt lở núi kinh hoàng tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (thuộc địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). 11 công nhân làm việc tại đây vẫn còn mất tích. Cuộc tìm kiếm đã tạm ngưng cho đến mùa khô năm 2021, sau khi hoàn thành việc xây đập ngăn của thủy điện này. Tiếp đến là vụ sạt lở xảy ra tại khu vực Thủy điện Hương Điền. Ngày 1/1/2021, sự cố rò rỉ gần cuối đường hầm dẫn nước khiến Nhà máy thủy điện A Lưới phải tạm ngừng phát điện mà nguyên nhân ban đầu của chủ đầu tư công trình đưa ra là do động đất.
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng tại Thủy điện Rào Trăng 3. Tại vùng núi này còn có Thủy điện Rào Trăng 4 đã đưa vào vận hành
Thiên tai là điều khó tránh trong thời điểm biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Ngoài yếu tố khách quan, chính con người tác động vào tự nhiên bằng việc xây dựng các công trình khiến địa chất bị đứt gãy. Các dự án thủy điện thường được xây dựng tại vùng núi cũng là một trong những tác nhân gây trượt lở.
Clip công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 cuối năm 2020
Tại Thủy điện Hương Điền ngày 1/12/2020, bờ trái phần phía hạ lưu đập có địa chất là đá phiến sét, bị phong hóa gần như hoàn toàn, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã xảy ra sạt lở với khối lượng sạt đổ xuống lòng sông khoảng 5.000m3. Vị trí sạt lở cách xa chân đập thủy điện Hương Điền từ 60-200m. Khu vực nhà điều hành, nhà ở công nhân của Thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) cũng đang tiềm ẩn nguy cơ trượt lở núi rất cao.
Sạt lở tại khu vực Thủy điện Hương Điền tháng 12/2020
Bây giờ, không ai chắc chắn rằng, tất cả các khu vực thủy điện hiện nay đang tuyệt đối đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Câu chuyện của Thủy điện Thượng Nhật cũng là lời cảnh báo đến từ ý thức của con người. Sau nhiều lần yêu cầu, đến khi UBND tỉnh phải ban hành công điện khẩn về việc đảm bảo an toàn công trình và an toàn hạ du đối với Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, chủ đầu tư mới chịu mở tất cả 5 van cửa xả của nhà máy. Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương thừa nhận: “Dự án Thủy điện Thượng Nhật đang trong giai đoạn thi công nên chưa có hệ thống giám sát vận hành. Vì vậy, công tác giám sát thường xuyên rấ khó khăn”.
“Khi chúng ta xây dựng công trình tác động vào tự nhiên chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng. Các công trình thủy điện tại vùng núi cũng là một trong những yếu tố tác động vào tự nhiên, khi thiên tai ập đến, nguy cơ hiển hiện rất rõ”, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh nhấn mạnh.
Để thực hiện các dự án thủy điện, diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hẹp, đa dạng sinh học trên dòng sông mất đi, tác động theo hướng tiêu cực đến sinh kế người dân.
Thủy điện A Lưới ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế hàng trăm hộ kéo dài cho đến nay. “Người dân ảnh hưởng thủy điện A Lưới vẫn chưa thống nhất phương án đền bù. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan ban ngành, chủ đầu tư rà soát, tìm phương án để hỗ trợ người dân”, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết.
Lũ lụt hàng năm gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu của nông dân
Tại một số địa phương, công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện chậm trễ, khiến người dân gặp khó khăn trong việc ổn định đời sống.
Trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của các dự án thủy điện, Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội (CSRD) tại Huế dẫn chứng những trường hợp xảy ra rủi ro điển hình tại các dự án Thủy điện miền Trung –Tây Nguyên trong nhiều năm qua.
Người dân vùng hạ du rất khó khăn mỗi khi lũ về
Cụ thể như, vận hành mùa khô do chuyển nước sang dòng chảy khác xả nước về hạ du ít, không đảm bảo dòng chảy tối thiểu tác động gây khô hạn nghiêm trọng vùng hạ du, tình trạng thiếu nước sinh hoạt phổ biến, hiện tượng xâm nhập mặn gia tăng, không đủ nước tưới cho những cánh đồng, điển hình tại Thủy Điện Đăk My 4 (Quảng Nam) năm 2012 kéo dài sau nhiều năm hay Thủy điện thượng Kon Tum. Rủi ro công trình thủy điện, nứt rò rỉ thân đập, vỡ đập lún sụt vùng lân cận gây hoang mang cho người dân tại Thủy điện Sông Tranh 2 từ năm 2012; Thủy điện Đăk Me 3 (Kon Tum) vỡ đập năm 2012; Thủy điện Đạm Bol (Lâm Đồng) vỡ đường ống năm 2011...
Ngoài mất rừng hiển hiện rõ trước mắt, sạt lở bờ sông đang là vấn nạn xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước bởi ảnh hưởng của các dự án thủy điện.
Hàng năm, tại Thừa Thiên Huế, sạt lở như là điệp khúc lặp đi lặp lại sau mỗi mùa bão lũ, đặc biệt thủy điện làm giảm môi trường sông. "Do nước và phù sa giữ lại ở các hồ chứa, công trình đập ngăn dòng chảy sông ngòi tự nhiên, hồ chứa làm mất rừng gây giảm lượng cá tự nhiên, giảm phù sa về hạ du nên ảnh hưởng đến hệ sinh thái sông… tồn tại ở hầu hết các thủy điện", ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN)
Thừa Thiên Huế khi đưa vào vận hành các dự án thủy điện đã cung cấp nguồn điện trực tiếp cho tỉnh, góp phần cung cấp nguồn điện cho quốc gia khoảng 1,47 tỷ kWh/năm. Tổng thu ngân sách các dự án thủy điện đang vận hành tại Thừa Thiên Huế ước khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Các đợt thiên tai lịch sử đã tái diễn trong năm 2020. Lũ chồng lũ khiến người dân khắp các tỉnh miền Trung rơi vào tình trạng khốn khó. Chuyên gia dự báo thiên tai, TS. Nguyễn Ngọc Huy cho rằng, chu kỳ của LA – NINA đang bị thu hẹp khiến tần suất của mưa dày đặc hơn. Hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo nên nhiều hiện tượng cực đoan khác, lũ lụt lịch sử tại miền Trung là một trong số đó. Nghĩa là tương lai, lũ lụt sẽ còn diễn ra với mật độ dày hơn.
Thủy điện Hương Điền điều tiết nước về hạ du
Khi xảy ra lũ lụt, người ta nghĩ ngay đến vai trò, tác động của các thủy điện. Trong lịch sử, khi chưa có thủy điện, các trận lũ lớn cũng đã xảy ra. Điển hình là trận lũ năm 1999 xảy ra trong khoảng 1 tuần. Thừa Thiên Huế là tâm lũ. Lúc đó, nước lũ lên rất nhanh, bất ngờ dù chúng ta đã có một bản tin cảnh báo. Hệ thống sông Hương, sông Bồ không có hồ chứa, mưa lớn từ đầu nguồn sau 6 tiếng khiến một khối lượng nước khổng lồ đổ về hạ du. Tại Thừa Thiên Huế có 373 người chết, thiệt hại về kinh tế xã hội 1.763 tỷ đồng.
Năm 2020, các tỉnh miền Trung gánh chịu nhiều trận bão, lũ liên tiếp. Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 5, hoàn lưu bão số 6, bão số 8, 9, 12, 13. Và theo tính toán của BCH PCTT&TKCN tỉnh, nếu không có hệ thống hồ chứa ở thượng nguồn, một khối nước khổng lồ sẽ ngay lập tức đổ về hạ du. Theo đó, tính theo lưu vực 5.000 km2 tại Thừa Thiên Huế có khoảng 7 tỷ m3 nước, riêng lưu vực sông Hương gần 4 tỷ m3 nước.
Việc điều tiết của các hồ chứa thủy điện phải hợp lý, nếu không nguồn nước nuôi trồng thủy sản, dân sinh, hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề
“Các dự báo của chúng ta trong cuối năm 2020 đã dự đoán được những đợt lũ lớn. Mưa lớn xảy ra trên diện rộng, chúng ta có 70 hồ chứa như cái kho chứa nước. Riêng các hồ chứa lớn như, Hương Điền, Bình Điền dung tích chứa đã lên đến 1,5 tỷ m3 nước. Chính điều đó giúp người dân vùng hạ du chủ động, chuẩn bị đón lũ”, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh chia sẻ.
Trong một tính toán của cơ quan chức năng, đỉnh lũ lớn nhất cuối năm 2020 tại sông Bồ cao hơn đỉnh lũ năm 1999 đến 7 cm và nếu không có hồ chứa sẽ là 9 cm; mực nước ở sông Hương là 4,17m, nếu không có hồ chứa sẽ cao đến 5,14m. Thông qua việc điều tiết, hệ thống hồ chứa đã giảm lũ, kéo dài thời gian cường suất lũ.
Hồ chứa thủy điện không chỉ có tác dụng cắt lũ, giảm lũ mà còn cấp nước cả mùa. Năm 2019, Thừa Thiên Huế trải qua một mùa khô hạn khốc liệt, nhưng tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vẫn không xảy ra, vụ mùa của nông dân cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.
Để phát huy những lợi ích và hạn chế những tác động tiêu cực mà thủy điện mang lại, việc việc vận hành hồ an toàn là vấn đề đặt ra. Trong quá khứ, các dự án thủy điện là tác nhân chính gây nên lũ lụt nếu vận hành máy móc, điển hình là tác động của những trận lũ dữ bất thường cho vùng hạ du, gây thiệt hại hoa màu hư hại gia súc, công trình của Thủy điện A Vương (Quảng Nam) vào tháng 9/2009, Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên) năm 2013, Thủy điện An Khê- Kanat tháng 5/2010, thuỷ điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam) cuối tháng 10/2020…
Các dự án thủy điện nhỏ sẽ không được ủng hộ trong tương lai
Tại Thừa Thiên Huế, do đặc điểm địa hình thời gian truyền lũ từ các hồ chứa đến vùng hạ du rất nhanh, khoảng 1,5 tiếng, do vậy, việc vận hành, điều tiết hồ chứa cần cẩn trọng.
Sông Hương là một trong 11 lưu vực sông lớn trong cả nước. Cùng với các lưu vực khác, Chính phủ đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương. Các hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền trong quá trình vận hành, căn cứ vào mực nước tại trạm thủy văn, mực nước hồ và lưu lượng đến hồ tương ứng để chuyển sang thực hiện chế độ vận hành duy trì mực nước hồ đúng theo quy định nhằm cắt, giảm lũ cho hạ du.
Các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa
Trong quá trình các hồ Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền vận hành, các hồ chứa khác phải tham gia cùng với các hồ chứa bậc trên, bậc dưới phối hợp vận hành giảm lũ cho hạ du phù hợp với năng lực thực tế của hồ. Theo đó, các hồ A Lưới, A Lin Thượng, A Lin 3, căn cứ mực nước hồ, lưu lượng về hồ và tình hình ngập lụt dưới hạ du, phải vận hành điều tiết để bảo đảm không gây lũ chồng lũ ở hạ du, bao gồm cả phần hạ du phía Lào. Các hồ A Lin B1, A Lin B2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Roàng, Thượng Nhật và Thượng Lộ phải phối hợp vận hành để góp phần giảm lũ cho hạ du, bảo đảm an toàn công trình và xử lý các tình huống bất thường.
Nội dung: Lê Thọ - Hải Triều
Hình ảnh: L.Thọ - H.Triều - N.Linh - T.Hồng - Tư liệu
Video: Lê Thọ
Thiết kế: Quang Thiều