Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao (thứ 4, phải sang) cùng lãnh đạo các sở, ngành kiểm tra sản xuất kinh doanh một công ty tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 5 tháng đầu năm 2017, các cấp, ngành và địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư, thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong “Năm Doanh nghiệp 2017” của tỉnh. Tính đến ngày 20/5, đã có 275 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 22,8% về lượng và gấp 3,6 lần về vốn. Tỉnh đã cấp mới 20 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký trên 2.200 tỷ; trong đó có 18 dự án đầu tư trong nước.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách 5 tháng ước đạt 2.453 tỷ đồng, bằng 35,8% dự toán năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách ước đạt 3.012,9 tỷ đồng, bằng 33,01% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 6.296,3 tỷ đồng, bằng 33,1% kế hoạch năm. Một số dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh tiếp tục được tỉnh dành nguồn ngân sách đầu tư.
Về lĩnh vực du lịch - dịch vụ, tổng lượt khách đến tỉnh 5 tháng ước đạt 1,435 triệu người, tăng 0,9%; trong đó khách quốc tế ước đạt 535,7 nghìn lượt người; doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt trên 2,473 tỷ đồng, tăng 7,2%. Sản xuất nông, lâm, ngư nghệp tiếp tục phát triển ổn định, nhất là lĩnh vực thai thác và nuôi trồng thủy hải sản đã khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kế hoạch “Năm Doanh nghiệp 2017” của tỉnh, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp với các giải pháp quyết liệt, cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực; tập trung các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ tối đa cho các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy năng lực sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công theo kế hoạch được phê duyệt thực hiện trong năm 2017, rà soát để chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2018. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành cần thực hiện nghiêm quy chế làm việc của UBND tỉnh, nhất là tham dự các phiên họp do UBND tỉnh và Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao vai trò người đứng đầu gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu; kịp thời thay thế những cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì cuộc họp
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế
Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Ca Huế (DSNTCH) được đông đảo các thành viên UBND tỉnh thống nhất thông qua sáng 30/5. Mục tiêu của đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế; sớm đưa Ca Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di DSNTCH, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ tổ chức các cuộc liên hoan nghệ thuật Ca Huế; mở các lớp đào tạo chuyên ngành Ca Huế; bồi dưỡng cho diễn viên, nghệ nhân về kỹ năng thực hành; duy trì các câu lạc bộ Ca Huế hiện có và xem xét thành lập các câu lạc bộ Ca Huế tại các địa phương nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trong đời sống đương đại. Đồng thời, ban hành một số cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị DSNTCH; biên soạn, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về DSNTCH. Đáng chú ý, phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành hồ sơ đề nghị vinh danh nghệ thuật Ca Huế là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao ghi nhận và đánh giá cao Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSNTCH. Đồng thời lưu ý, rà soát, bổ sung thật kỹ các hồ sơ liên quan trình lên Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch. Ngoài ngành Văn hóa - Thể thao, các sở, ngành, địa phương cần nâng cao vai trò quản lý, tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản của loại hình nghệ thuật này nhằm nâng cao vai trò quản lý, tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản của loại hình nghệ thuật này, đồng thời tạo sự lan tỏa trong nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị DSNTCH.
Chưa trường hợp nào vi phạm nếp sống văn minh đô thị bị xử phạt
Về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng rải vàng mã khi đưa tang, đốt vàng mã ở vỉa hè, thả vàng mã xuống sông; quảng cáo, rao vặt dán trên tường nơi công cộng, cột điện; phát tờ rơi trên đường; dùng loa hát karaoke nơi cộng cộng… làm mất vệ sinh môi trường, ô nhiễm tiếng ồn. Tuy vi phạm quy định xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao tiếp tục rà soát, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định; đồng thời, cử bộ phận kiểm tra, kiểm soát, áp dụng các chế tài xử phạt theo quy định hiện hành.
|
Bài, ảnh: Thái Bình