Đầu tháng 8/2017, một số người trở lại để tái khởi động dự án nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”
Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và mất đất sản xuất của người dân trong vùng dự án, cuối năm 2017, huyện Nam Đông đề xuất xem xét lại việc đầu tư Nhà máy xi măng Nam Đông.
Kiến nghị thu hồi lại đất
Tháng 3/2009, dự án nhà máy xi măng Nam Đông được khởi công tại xã Thượng Quảng, do Công ty cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông- Việt Song Long làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn 4.437 tỷ đồng, cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011, dự kiến đáp ứng nhu cầu khai thác 50 năm, cho ra lò trung bình 1,8 triệu tấn xi măng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách tỉnh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.
Hiện nay, sau nhiều năm, dự án chỉ có khu nhà văn phòng điều hành đang hư hại, xuống cấp. Cùng với đó, hơn 250ha đất đã được bàn giao cho dự án nhà máy xi măng cũng bị bỏ hoang.
Trước đó, hàng chục hộ dân đã phải đến khu tái định cư ở xã Thượng Quảng để nhường đất cho dự án trong điều kiện thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm phèn nặng.
Là một trong những hộ dân nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho dự án, nhưng gần 5 năm nay, khi thấy dự án chậm triển khai, anh Hồ Xuân Hồng (thôn 4, Thượng Quảng) đã quay lại khu đất cũ của mình và tiến hành trồng keo. Cũng giống như anh Hồng, nhiều hộ dân có đất đã bàn giao cho dự án, nhưng thấy lãng phí nên xin UBND xã trồng các loại cây ngắn ngày, trồng rừng và cam kết nếu dự án tái khởi động sẽ thu hoạch cây sản xuất trên đất, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công.
Ông Hoàng Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết, dự án ngừng triển khai gây lãng phí. Nếu dự án không triển khai thì phải trả lại đất để người dân canh tác, sản xuất. Xã cũng đã nhiều lần kiến nghị về việc nên thu hồi đất của dự án để trả lại đất cho dân sản xuất nhưng vẫn không được chấp thuận.
Tăng cường giám sát chặt hiện trường
Giãn, hoãn đầu tư để cân đối cung-cầu
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, trong bối cảnh ngành xi măng đang dư cung hàng chục triệu tấn và tiếp tục có thêm các dự án mới được đưa vào vận hành, xuất khẩu ngày càng khó, thì quy hoạch xi măng giai đoạn tới nên tập trung vào việc đầu tư cải tạo để phát huy tối đa công suất thiết kế, giải quyết các vấn đề về môi trường, hơn là chỉ chú trọng đầu tư mới. Một số dự án nếu cần thiết, nên giãn, hoãn đầu tư để cân đối cung - cầu thị trường.
|
Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xi măng, UBND huyện đã tiến hành giải phóng mặt bằng, quy hoạch các khu mỏ đất sét, mỏ đá vôi và kéo điện đầy đủ. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm dự án này vẫn dẫm chân tại chỗ, gây lãng phí diện tích đất bỏ hoang và lãng phí tài nguyên thiên nhiên địa phương, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, đời sống sinh hoạt ở nơi tái định cư còn gặp một số khó khăn. UBND huyện cũng đã nhiều lần họp, xin ý kiến một số chuyên gia và họ cho rằng với địa hình xung quanh là đồi núi, ở giữa thung lũng như Nam Đông, nếu xây dựng nhà máy xi măng sẽ gây ô nhiễm. Một số ý kiến tỏ ra hoài nghi năng lực của đơn vị chủ đầu tư và đặt câu hỏi, phải chăng công ty này lợi dụng xây dựng nhà máy để khai thác khoáng sản trái phép.Sau nhiều năm biệt tích, tháng 7/2017, khi UBND tỉnh có chủ trương quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ, một số người đã đến khu nhà văn phòng điều hành xưng là người của công ty cũ. Một người giới thiệu tên Tùng là giám đốc điều hành dự án nói rằng, sau thời gian hoàn tất các thủ tục điều chỉnh quy hoạch, nay trở lại tái khởi động dự án với tổng số vốn huy động hơn 8.000 tỷ đồng. Họ còn thuê nhân công, phương tiện đến tu sửa lại khu nhà văn phòng điều hành và tường rào; sau đó, tập kết nhiều xe ủi, xe múc, xe tải ben về như động thái chuẩn bị thi công. Tuy nhiên, trong một buổi sáng cuối tháng 8/2017, người dân không thấy sự hiện diện của xe máy, nhân công trên công trường này nữa. Phóng viên liên lạc vào số điện thoại của người tên Tùng cũng “bặt vô âm tín”.
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo huyện Nam Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chỉ đạo Sở Kế hoạch- Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên- Môi trường và chính quyền địa phương có kế hoạch, tăng cường giám sát chặt chẽ hiện trường thi công của dự án Nhà máy xi măng Nam Đông; chỉ cho phép thực hiện các thủ tục về khai thác khoáng sản khi dự án được thi công trở lại.
Bài, ảnh: Thái Bình