Ngư dân Thuận An trúng đậm cá nục
Ngư dân Trần Văn Chiến ở xã Phú Thuận (Phú Vang) xởi lởi: “Lâu lắm rồi tàu của tui mới trúng đậm mẻ cá nục hơn 7 tấn. Mỗi chuyến đánh bắt chỉ kéo dài 3-5 ngày, cá không ướp lâu nên rất tươi, bán được giá. Cá nục giá trị kinh tế tuy không cao nhưng bù lại sản lượng đánh bắt lớn nên tàu của tui cũng như nhiều tàu khác đều có lãi. Hơn 7 tấn cá nục có giá trị chừng 200 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi 130 triệu đồng.
Cập cảng cạnh tàu của ông Chiến, tàu của ông Nguyễn Văn Hòa ở thị trấn Thuận An cũng chở đầy ắp cá. Tất cả các khoang tàu đều bạc trắng pha lẫn chút màu xanh nhạt của cá nục tươi.
Ông Hòa khoe: “Đây là chuyến thứ 3 trong tháng, tàu của tui bủa trúng cá nục và một một số loại cá có giá trị khác. Nhưng chuyến này chủ yếu là cá nục với sản lượng hơn 6 tấn, trừ các khoản chi phí, nhiên liệu... lãi chừng 100 triệu đồng”.
Theo ông Hòa, cá nục giá trị kinh tế không cao nhưng dễ bán vì khả năng tiêu thụ mạnh. Cá nục tươi cung cấp cho người tiêu dùng làm thức ăn hằng ngày, còn lại có thể phơi khô, hoặc làm mắm thính, ủ làm nước mắm bán quanh năm. Cá nục được chế biến nước mắm, mắm thính thường có giá trị cao gấp đôi, gấp ba lần cá tươi. Hầu hết ngư dân sau khi bán cá nục tươi không hết đều giữ lại ủ làm mắm.
Ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An rất vui khi ngư dân của địa phương trúng đậm cá nục. Hầu như tàu nào cũng đánh bắt từ 5-7 tấn cá. “Có đến 50% tàu đánh bắt xa bờ trúng đậm nhiều mẻ cá nục. Một số ngư dân khi phát hiện có luồng cá nục lớn đã gọi các tàu khác đến cùng đánh bắt. Nhờ vậy hàng loạt tàu cùng lúc cập bến đầy ắp cá nục. Điều này cho thấy sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau đã mang lại hiệu quả trong khai thác hải sản và tạo sức mạnh trong bảo vệ chủ quyền biển đảo”, ông Đủ chia sẻ.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang, ông Đoàn Thao thông tin, sau các chuyến đánh bắt vừa qua, ngành nông nghiệp đã trực tiếp đến Cảng cá Thuận An để kiểm tra, nắm bắt tình hình và hiệu quả khai thác của ngư dân. Điều đáng mừng là phần lớn các tàu đều đánh bắt hiệu quả, có lãi, các loại hải sản cũng khá đa dạng, như nục, ngừ, thu, chủa, cờ...; nhưng chuyến gần nhất (khoảng giữa tháng 8) đều toàn cá nục. Mỗi chuyến đánh bắt chỉ 5 ngày đến 1 tuần, tàu khai thác được ít nhất cũng 3-4 tấn, nhiều thì 6-7 tấn.
Thu mua cá tại cảng Thuận An
Nghề đánh bắt xa bờ ngày càng cho thấy hiệu quả ổn định và bền vững. Những chuyến biển vừa qua, các tàu không chỉ trúng đậm cá nục mà còn nhiều loại cá có giá trị kinh tế khác. Nhiều tàu lãi từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/chuyến. Mỗi bạn thuyền được các chủ tàu trả tiền công mỗi chuyến trên dưới 10 triệu đồng. Các bạn thuyền còn được chủ tàu tạo điều kiện cho câu mực, câu cá trong thời gian chờ kéo lưới. Sản phẩm câu được, bạn thuyền đều được hưởng, góp phần cải thiện đời sống.
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, có được kết quả khả quan như vậy, trước hết phải ghi nhận sự nỗ lực, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của người dân, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương. Số tàu đánh bắt xa bờ, phần lớn công suất từ 400 CV trở lên hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 370 chiếc, gấp đôi so với cách đây 3 năm. Các địa phương thành lập 72 chi hội nghề cá, hình thành hệ thống quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, bảo vệ ngư trường.
Cùng với đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn, gần đây, ngư dân còn đa dạng hóa ngành nghề khai thác, như giã cào, lưới mành, vây rút chì, câu mực... Sau khi nhận được kinh phí bồi thường sự cố môi trường biển, nhiều ngư dân ở Phú Vang, Phú Lộc... đầu tư mở rộng ngư lưới cụ; mua sắm các trang thiết bị máy móc hỗ trợ đánh bắt hải sản như máy dò cá, đèn LED, hầm bảo quản cá hiện đại hơn...
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, giá các loại hải sản thu mua tại chỗ từng bước nhích dần lên, hiện đã ngang bằng với trước khi chưa xảy ra sự cố môi trường biển. Giá cá nục khi xảy ra sự cố môi trường biển chỉ còn 15 ngàn đồng/kg, nay tăng lên gấp đôi. Các loại cá ngừ, cá chủa, cá thu... có giá bình quân từ 80-120 ngàn đồng/kg. |
Bài, ảnh: Hoàng Thế