|
Truyền thông lưu động về chính sách chi trả DVMTR |
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh sớm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ năm 2011 đến nay. So với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nguồn kinh phí chi trả DVMTR tỉnh còn hạn chế, nguồn kinh phí dành cho công tác truyền thông còn hạn hẹp. Nhưng hằng năm, Quỹ BV&PTR luôn xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông, tập huấn, đào tạo theo hình thức đa dạng hóa các hoạt động với các kênh tuyên truyền khác nhau. Từ đó đạt được nhiều thành quả tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chính sách chi trả DVMTR cho các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bà Vương Thị Hoa, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật thuộc Quỹ BV&PTR thông tin, Quỹ BV&PTR phối hợp với các đơn vị truyền thông thực hiện nhiều phóng sự, phát thanh, tin, bài tuyên truyền sâu rộng hiệu quả chính sách chi trả DVMTR đến người dân, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí và các kênh thông tin điện tử như trang website, facebook của đơn vị và mạng xã hội.
Quỹ BV&PTR tổ chức các hội thi tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR, phối hợp đoàn thanh niên các huyện tổ chức nhiều hoạt động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, “Giải bóng đá truyền thống huyện A Lưới”, “Những dấu chân tình nguyện – Vì mùa hè xanh” tại A Lưới, “Hội diễn văn nghệ truyền thông”, “Hội thi vẽ tranh”, “Cùng vui cùng học hỏi chính sách chi trả DVMTR”, “Hội thi rung chuông vàng”... Qua đó, góp phần tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn các huyện, thị xã.
Hoạt động truyền thông lưu động, tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR được triển khai trên địa bàn 38 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. Đây là các địa phương tập trung các cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình đang thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, xây dựng bộ phim hoạt hình truyền thông với nội dung “Đơn giá và diện tích chi trả DVMTR” giúp người dân hiểu rõ hơn về chính sách cũng như trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ và chào mừng Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11, Quỹ BV&PTR tỉnh hỗ trợ 15 ngàn cây giống bản địa, gồm lim xanh, sến, huỷnh, chò, lim lá thắm... và vật tư trồng rừng; phối hợp với Chi cục Kiểm Lâm tỉnh tổ chức phát động trồng cây, gây rừng tại một số đơn vị chủ rừng là tổ chức Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hoạt động truyền thông khác được Quỹ BV&PTR triển khai như “Cộng đồng nói với cộng đồng về chính sách chi trả DVMTR” nhằm chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình sinh kế để các cộng đồng cùng học hỏi lẫn nhau, thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Theo đó, có gần 30 cuộc tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tại cộng đồng thôn, bản với sự tham gia gần 1.500 người dân nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về vai trò, giá trị của rừng đối với đời sống, nắm rõ các quyền, nghĩa vụ trong việc tham gia bảo vệ rừng cung ứng DVMTR.
Quỹ BV&PTR tổ chức in 100 poster tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR được treo tại các nhà sinh hoạt cộng đồng, văn phòng UBND các xã miền núi thuộc lưu vực thủy điện và nước sạch; lắp dựng 30 bảng pano tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR ở các chân đập thủy điện, các khu vực rừng được chi trả, tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và tại các nhà sinh hoạt cộng đồng. Khoảng 7.300 tờ rơi được in ấn để cấp phát cho cộng đồng, nhóm hộ, văn phòng UBND các xã miền núi có thực hiện chính sách chi trả DVMTR; cấp phát 1.130 cuốn sổ tay tuần tra, bảo vệ rừng cung ứng DVMTR và sổ theo dõi quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cộng đồng, nhóm hộ tiện ghi chép tổng hợp.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động bảo vệ rừng cũng như giám sát kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nhiều năm qua, Quỹ BV&PTR tỉnh tăng cường triển khai và tích cực hợp tác với các tổ chức, trung tâm, chương trình, dự án (WWF, IFPES, TBI, PanNature, UNDP/GEF SGP, Trường Sơn Xanh, BCC...) tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng sử dụng các ứng dụng tích hợp vào thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh phục vụ quá trình tuần tra, bảo vệ rừng và giám sát, đánh giá chi trả DVMTR.
Quỹ BV&PTR tỉnh đang lập ra nhiều nhóm để thực hiện nhiệm vụ gồm các hoạt động khác nhau, trong đó có nhóm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Nhóm này sẽ thực hiện công tác truyền thông, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực theo các hình thức đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền về ERPA, gồm viết và đăng bài lên các báo, đài Trung ương, địa phương.
Công tác truyền thông, tập huấn giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ các-bon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng. Hơn nữa, tuyên truyền đến các cấp, các sở ban ngành, người dân hiểu biết về thực hiện ERPA là thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo thêm nguồn kinh phí khá lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.