ClockThứ Bảy, 28/09/2024 06:38

Ứng dụng công nghệ mới - chìa khóa cho mục tiêu Net Zero

TTH - Tại diễn đàn "Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp - động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương" vừa được ngành khoa học công nghệ (KHCN) và các đơn vị liên quan tổ chức, từ khóa "mục tiêu Net Zero" được nhắc đến khá nhiều. Trọng tâm để đạt mục tiêu này chính là việc hấp thụ, ứng dụng công nghệ mới, mà ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng thừa nhận.

Đua đến Net Zero

Sử dụng khí gas giảm phát thải thay thế nhiên liệu được một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Phenikaa áp dụng 

Chuyển biến từ doanh nghiệp

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin, từ hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Với cam kết trên, không riêng các bộ, ngành mà địa phương, doanh nghiệp phải chung tay hành động. Trong đó, giải pháp quan trọng không thể thiếu đó là ứng dụng, tiếp cận KHCN. Cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh đang dần tiếp cận hấp thụ hàm lượng KHCN, như đổi mới chuyển giao công nghệ, tăng cường pháp lý kết nối cung - cầu, nguồn lực tài chính để phục vụ sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng sức cạnh tranh trên thị trường để hướng đến nền kinh tế xanh...

Đồng hành cùng mục tiêu này, Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều giải pháp, như ban hành các văn bản hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường; quy hoạch ngành KHCN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; các kế hoạch phát triển công nghệ số trong doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp... phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh giai đoạn mới.

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ, hiện nay, hoạt động tiếp cận, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ở địa phương còn khiêm tốn. Không nhiều doanh nghiệp đặt ra lộ trình hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng đến Net Zero, ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI, như: Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, Nhà máy Xi măng Đồng Lâm, Công ty Phenika Huế, Nhà máy Bia Huế, Scavi Huế... Thực trạng này không riêng ở Thừa Thiên Huế, bởi phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động với quy mô vừa và nhỏ, họ đang gặp khó khăn về tài chính, về nhân lực. Vì thế, con đường dẫn đến Net Zero đang "gập ghềnh".

Tiếp cận và đổi mới

Nhiều ý kiến chia sẻ, Net Zero là xu hướng phát triển tất yếu, nhưng muốn có những bước đi thuận lợi, doanh nghiệp cần phải tiếp cận KHCN, phải đổi mới sáng tạo. Việc hướng đến Net Zero hầu như đều liên quan, "thấp thoáng" đến nhiều ngành, lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, du lịch dịch vụ... và mỗi ngành này đều có những giải pháp để đạt Net Zero khác nhau.

Đơn cử, ngành công nghiệp được xem là ngành phát thải khí nhà kính lớn. Do đó, ngành này đang được chính quyền, đơn vị quản lý, cộng đồng doanh nghiệp tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng xanh. Đặc biệt, tập trung ưu tiên những doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới tiên tiến để triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn, đáp ứng chiến lược về tăng trưởng xanh và cam kết giảm phát thải, thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở địa phương. Hay trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần áp dụng các biện pháp giảm phát thải, áp dụng công nghệ tái chế chất thải thành sản phẩm hữu ích như: điện năng, đồ dùng tái chế, nguyên liệu tái sinh, tuần hoàn nước thải... mà hiện nay Nhà máy điện rác Phú Sơn (TX. Hương Thủy) hoạt động khá hiệu quả, nhờ ứng dụng tốt các giải pháp KHCN.

Đại diện Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Bộ KH&CN cho rằng, giải pháp KHCN góp phần rút ngắn khoảng cách đường đến Net Zero. Thế nên, vai trò, nhiệm vụ các nhà khoa học hiện nay khá quan trọng, đó là cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho hầu hết các lĩnh vực, như: hỗ trợ ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, phân bón hữu cơ; công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu, giữ và sử dụng các-bon. Ngoài ra, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm phát thải trong các ngành kinh tế trọng điểm khác chứ không riêng công nghiệp, như ngành xây dựng, giao thông...

Lãnh đạo Sở KH&CN nhận định, KHCN chính là giải pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu Net Zero. Nói cách khác, KHCN chính là "chìa khóa" để hướng đến mục tiêu Chương trình Net Zero (Chương trình KHCN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050). Để làm được điều này rất cần cơ chế, chính sách dành cho KHCN để phát huy vai trò nghiên cứu, có sản phẩm KHCN để ứng dụng thực tế vào từng lĩnh vực, doanh nghiệp. Cùng với đó là cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, tái chế theo hướng xanh, giảm phát thải và bền vững.

“Yếu tố này rất cần các bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, tạo điều kiện, kết nối để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, tham gia Chương trình KHCN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam vào năm 2050", Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng chia sẻ.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tại huyện A Lưới, công nghệ cao đang được đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở các mô hình chăn nuôi và trồng trọt, đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

Công nghệ hiện đại đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất, giảm chi phí nhân công và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ, hiệu quả nhân đôi

TIN MỚI

Return to top