Ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của doanh nghiệp chưa cao, nên vẫn để xảy ra tình trạng xả thải gây ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp
Dù công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thời gian qua đã được đưa vào các chủ trương, quyết sách của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xem đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển, song vẫn còn tồn tại thực trạng trên là do chưa giải quyết được những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nhận thức về BVMT một số cộng đồng dân cư, doanh nghiệp chưa cao. Nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật BVMT, chưa quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ xử lý môi trường, hoặc nếu có chỉ mang tính đối phó.
Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, sát với thực tế; quy hoạch làng nghề tập trung chưa được triển khai hiệu quả. Đơn cử như quy hoạch đô thị, khu, cụm dân cư, chợ chỉ quan tâm đầu tư hệ thống cấp, thoát nước mưa, chưa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, nên các khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mặc dù có quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ dẫn đến các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ có diện tích dưới 10 ha phần lớn không có hệ thống kênh, ao xử lý nước thải và xả trực tiếp ra môi trường.
Công tác đầu tư xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực công cộng, dịch vụ công ích, cơ sở y tế, bãi rác và làng nghề triển khai còn chậm, chưa đảm bảo theo tiến độ.
Chất thải từ các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản còn thải trực tiếp ra môi trường nhưng chưa có giải pháp xử lý, khắc phục.
Nguyên nhân khách quan còn do hệ thống hạ tầng cơ sở về BVMT chưa đồng bộ; hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch, bố trí cụm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Để khắc phục những tồn tại, bất cập, thời gian tới, đơn vị quản lý môi trường tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT cho mọi tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; đổi mới, nâng cao năng lực quản lý môi trường về con người, cơ chế chính sách và cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Cụ thể, tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị; phát hiện kịp thời các sự cố và nhanh chóng đề ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Ưu tiên thực hiện Dự án Xây dựng hệ thống thông tin quan trắc môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị cho việc tiếp nhận cơ sở dữ liệu quan trắc tự động từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ kinh tế, như: phí BVMT, tiền xử phạt vi phạm hành chính, bảo hiểm môi trường, kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải... trong việc quản lý môi trường, giúp huy động nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách trong lĩnh vực BVMT.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN