Người dân xã Phú Thượng kiểm tra tình trạng phát triển của cá
Bắt tay vào việc
Trong khi những chậu cúc vàng trước hiên vẫn khoe hương tết thì tại thôn La Ỷ (xã Phú Thượng), người dân đã bắt tay vào việc.
Ông Trung, một người sống bằng nghề nuôi cá lồng dí dỏm: Người nào việc nấy, ai cũng bắt tay vào công việc của mình, tăng tốc để lấy đà làm ăn cho một năm mới.
Cách đây chưa lâu, 13 hộ nuôi cá lồng trong thôn đều bị thiệt hại nặng nề, gần như mất trắng do lũ lụt. Sau tết, người dân xoay vốn, khẩn trương khởi động lại việc sản xuất.
“Chúng tôi nuôi nhiều loại cá như diêu hồng, trắm cỏ, cá trê, leo, chình… Cố gắng lấy công làm lãi. Như đối với loại cá trắm, người nuôi phải chịu khó kiếm chuối, bứt cỏ, vớt rong làm thức ăn cho cá. Chờ thời thời tiết ấm lên, chúng tôi thả cá giống nhiều hơn, mở rộng quy mô sản xuất”, anh Thanh- người nuôi cá lồng ở thôn La Ỷ chia sẻ.
Từ con số 3 lồng trước tết, hộ ông Trung dự định sẽ tăng lên 6 lồng trong tháng Giêng. Hộ anh Thanh dự định sẽ phát triển tổng cộng 15 lồng. Một số hộ cũng đầu tư tăng gấp đôi số lượng các loại cá hiện đang nuôi. Hộ anh Nhân, một gia đình trước đây chỉ sống bằng nghề trồng hoa, năm nay cũng quyết định nuôi thêm cá chình.
“Đầu tư xây bể diện tích 120m2 và thả 500 con cá giống hết 150 triệu đồng. Số vốn đó đối với người nông dân là rất lớn. Nếu thu hoạch có lãi, sẽ là “cái đà” cho gia đình tôi tiếp tục mở rộng và những hộ khác trong địa phương yên tâm đi theo mô hình sản xuất này”, anh Nhân chia sẻ.
Tăng tốc
Ông Hoàng Trọng Đoài, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, ngay sau tết, hơn 100 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã đã khẩn trương cải tạo hồ, đắp, gia cố đê, giăng mùng (sáo), thực hiện các khâu kỹ thuật để thả giống tôm, cua, cá.
Anh Nam (thôn Thanh Dương) chia sẻ: Kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào 2 hồ tôm, cua, cá. So với những năm trước, năm nay do thiệt hại bởi trận lũ lụt lớn vừa qua nên sau tết cũng như các “đồng nghiệp”, gia đình anh khẩn trương tiến hành vụ nuôi mới. Do hồ, đê bị vỡ, mùng sáo giăng quanh hồ bị lũ làm hư hại, môi trường nước ô nhiễm nên cần tập trung cải tạo, gia cố, xử lý kỹ thuật... mất nhiều thời gian và công sức để đảm bảo lịch nuôi đúng thời vụ.
Anh Nam cho biết, công nạo vét 1 hồ nuôi phải thuê 3 ca máy, chi phi 1 ca 3,2 triệu đồng. Số sáo mùng bị hư phải thay mới. “Thiên tai xảy ra cuối năm vừa rồi khiến chúng tôi thiệt hại kinh tế rất nhiều. Nhưng đã chọn “theo đuôi con cá” mà sống thì dù khó khăn, ai nấy cũng phải cố gắng vượt qua. Vậy nên đầu năm nay, chúng tôi phải khẩn trương bỏ vốn liếng, công sức nhiều hơn cho vụ mới”, anh Nam nói.
Anh Bòn (thôn Kế Sung) cũng là chủ nhân của 2 hồ nuôi thủy sản. Gia đình anh đã cải tạo hồ, xử lý xong mọi khâu kỹ thuật, chuẩn bị thả giống tôm, cua, cá dìa. “Nếu “trời yên biển lặng” thì 3 tháng rưỡi hoặc 4 tháng sau là thu hoạch. Do sau thiên tai, nguồn nước ô nhiễm nên không chỉ xử lý ban đầu mà suốt vụ nuôi trồng; đồng thời, phải theo dõi, chăm sóc rất kỹ, phát hiện bệnh kịp thời. Để tôm mắc những bệnh nổ mắt, đốm trắng, vàng mang thì tiền bạc, công sức coi như đổ sông, đổ bể”.
Cùng chung suy nghĩ, tính toán cho một vụ mùa mới bội thu, những người dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ở xã Vinh Thái, sau thiệt hại do trận lũ lụt lớn cuối năm ngoái, cẩn thận, “chi li” hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát triển đàn cá của mình. Đầu năm nay, Vinh Thái đã khởi động vụ nuôi mới với gần 200 lồng cá (mè, trắm) của gần 50 hộ dân. “Chuẩn bị cho mùa vụ mới, có lo lắng nhưng tinh thần phấn khởi, hy vọng, bà con sẽ có một vụ mùa thành công”, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái chia sẻ.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh