ClockThứ Năm, 22/10/2020 06:30

Vùng đầm phá xa mà gần

TTH - Hàng loạt cây cầu băng đầm vượt phá được xây dựng và công cuộc tái định cư dân vạn chài gắn với sắp xếp nò sáo, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng của vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á: Tam Giang - Cầu Hai.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vữngPhát triển bền vững kinh tế biển, đầm pháMục tiêu lớn từ biển, đầm phá

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đem lại nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân

Nhờ có hàng loạt cây cầu xuất hiện như: Hòa Xuân, Tam Giang, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền cùng nhiều nhánh đường mới mở hoặc được nâng cấp, làm cho phía “bên tê” đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trước đây vốn xa ngái nay hóa gần.

Kể từ khi có cầu Trường Hà, Tư Hiền, tôi đã có nhiều dịp quay trở lại. Đó là những ngày cả vùng "bên ni lẫn bên tê" đầm phá chung tay góp sức làm nên cuộc cách mạng mới: thay đổi phận người khi quyết định chuyển hết cư dân các vạn chài sống lênh đênh trên sông nước lên bờ tái định cư.  Thật ra, đây chỉ là sự tiếp nối của việc làm đầy nhân văn, chủ yếu dành cho những hộ bị mất thuyền đang thật sự lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau thảm họa của trận bão lớn năm1985. Chính sự đổi đời của những gia đình được lên bờ tái định cư năm ấy đã gieo hy vọng cho hàng vạn con người đang sống thấp thỏm, chông chênh nơi các vạn chài.

Để tạo lập cuộc sống mới cho hàng vạn con người vốn chỉ quen sống trên sông nước, ngoài tìm vị trí phù hợp để cấp đất cho họ, Nhà nước còn phải đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm xá, đưa điện, đưa nước về tận nơi; kèm theo đó là tổ chức dạy nghề, vẻ bày cách sống văn minh nhằm giúp bà con tái hòa nhập với cộng đồng và đoạn tuyệt với tập quán lạc hậu.

Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh đã có 60 khu tái định cư cho trên 2.700 hộ bà con vạn chài lần lượt xuất hiện. Những hộ lên bờ, ngoài được cấp đất (150-200m2/ hộ), xây dựng cơ sở hạ tầng còn được Nhà nước và Mặt trận hỗ trợ 14,5 triệu đồng.

Bị mất vợ và 3 con trong trận bão 1985 nhưng mãi đến năm 2009 mới được lên bờ nên anh Trần Văn Minh ở khu tái định cư Phước Lập (Quảng Điền) xúc động: Không còn nơm nớp lo sợ bão lụt được như ri là sung sướng lắm rồi!

Hạnh phúc của lớp người “sống vô gia cư, chết vô địa táng”, nói như cụ Phạm Tạ ở thôn 14 xã Quảng Công (Quảng Điền) mới thấm thía. Cụ kể, trước đây vì nghèo nên người ở nôốc, khi chết thường không sắm được hòm; cũng vì nghèo nên không mua được đất để chôn, vì vậy phải đợi đêm xuống tìm nơi thưa vắng, thường là giáp ranh của các làng mới đem lấp vội. Thương cha, thương mẹ nhưng không dám khóc. Không mồ, không mả là vì thế. Không nhớ ngày đơm tháng kỵ, không chạp, không giỗ là vì thế.

Sau khi được đưa lên bờ, được Nhà nước tạo điều kiện, vẻ bày làm ăn nên cháu con ông ngày mỗi khấm khá. Với tư cách là Trưởng họ, cụ Phạm Tạ quyết làm hai việc: Vận động con cháu xây nhà thờ và lập quỹ khuyến học.

Cùng với việc tái định cư, Thừa Thiên Huế chủ trương phải sắp xếp lại nò sáo trên vùng Tam Giang-Cầu Hai. Chủ trương sắp xếp lại nò sáo của tỉnh phù hợp với mục tiêu mà IMOLA- Dự án quỹ ủy thác cho FAO do Chính phủ Ý và Việt Nam đồng tài trợ lúc bấy giờ đang triển khai ở Thừa Thiên Huế.

Dựa vào việc phân định và chia vùng mặt nước, thông qua vận động của cả hệ thống chính trị, IMOLA giúp các huyện định vị sắp xếp lại nò sáo và tiếp đó là cắm mốc phân vùng, bảo vệ bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản.

Nhờ liên tục đôn đúc, kiểm tra cũng như kiên trì vận động, thuyết phục cùng các chính sách hỗ trợ kịp thời, cuối cùng từ Phong Điền đến Phú Lộc, chỉ trong thời gian ngắn có gần 700 trộ sáo được giải tỏa và sắp xếp lại.

Nếu trước đó, một trộ sáo dài đến nửa cây số, miệng bao chiếm rất lớn, sau khi sắp xếp mỗi trộ sáo đều được thu hẹp, nhờ vậy mà mặt nước phá Tam Giang, đầm Cầu Hai trở nên thông thoáng hơn.

Tuy năng lực khai thác giảm nhưng hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Năm 2008, sản lượng thủy sản đánh bắt của dân làng Nghi Xuân chỉ được hơn 100 tấn, thì bước sang năm 2009, năm đầu tiên tiến hành sắp xếp lại nò sáo thì sản lượng khai thác của làng tăng gấp đôi: 210 tấn và năm sau, năm 2010 sản lượng thủy sản khai thác tăng lên 450 tấn.

Lượng cá tôm tự nhiên của đầm Cầu Hai hồi phục nhanh chóng, môi trường nước được cải thiện nên phong trào nuôi xen ghép tôm với cua, đặc sản cá nước lợ có điều kiện phát triển. Cùng với thành lập các chi hội nghề cá và giao quyền sử dụng mặt nước cho họ quản lý, đến nay, sau khi tái cơ cấu cả vùng phá Tam Giang - Cầu Hai hình thành 22 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, do các chi hội nghề cá quản lý.

Nhờ nghiêm cấm khai thác nên thực vật thuỷ sinh ở các khu bảo vệ phát triển tốt, tạo điều kiện để các loại đặc sản nước lợ như cua xanh, ghẹ vàng, tôm đất và các loại cá: ong, nâu, hanh, hồng, dìa, mú... đã hồi sinh mạnh mẽ. Theo khảo sát của Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Quang Vinh Bình, bình quân thu nhập của mỗi hộ ngư dân vùng đầm phá đạt từ 6-10 triệu đồng/tháng.

Cùng với khai thác nguồn thủy sản tự nhiên, trong vòng mươi năm trở lại đây ở Tam Giang-Cầu Hai hình thành nghề nuôi cá nước lợ, đặc biệt là vùng ở vùng gần cửa biển Thuận An và Tư Hiền. Ngoài nuôi các loại cá đặc sản như: mú, dìa, hồng, nâu... ngư dân vùng cửa biển Tư Hiền còn nuôi thêm cá vẩu, vốn sinh sản ở biển, cuối mùa mưa, cá con thường dạt vào đầm Cầu Hai và ngư dân vớt đem nuôi.

Mới đây, tại vùng nước lợ Lộc Bình, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế “trình làng” con cá mú nghệ từ 25kg, sau 3 năm nuôi thử nghiệm đã cân nặng 55kg. Việc nuôi cá mú nghệ trong môi trường nước lợ, trên thật tế không mới, bởi trước đó, có ngư dân của Vinh Hiền sau khi ra biển đánh bắt được giống cá này đưa về nuôi nặng 80kg mới bán và giá 1kg đến nửa triệu đồng.

Với việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị ngành GTVT sớm xây cầu vượt cửa biển Thuận An cho thấy đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai sẽ tiếp tục khởi động ở quy mô lớn và đa dạng hơn.

Bài: PHẠM HỮU THU - Ảnh: NGUYỄN PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thả tôm sú và cua giống ra đầm phá

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1/6 đến ngày 8/6), Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Tỉnh Hội nghề cá, dự án WWF – Việt Nam tổ chức thả tôm, cua tái tạo nguồn lợi thủy sản đầm phá và phát động tháng hành động vì môi trường, vì một đại dương không rác thải nhựa.

Thả tôm sú và cua giống ra đầm phá
Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá

“Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá” tại phường Thuận An (TP. Huế) được Công an TP. Huế, Công an tỉnh đánh giá là một trong những phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” mang lại hiệu quả thiết thực tại cơ sở.

Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Return to top