ClockThứ Ba, 16/04/2024 07:26

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

TTH - Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh tháiKhai thác thế mạnh du lịch làng nghềBảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống

 Bảo tồn và phát triển nhiều diện tích rừng ngập mặn, các khu thủy sản góp phần tăng tính đa dạng sinh học và phát triển kinh tế 

Tái tạo nguồn lợi

Mới đây, vào sáng 4/4, xã Phú Diên (Phú Vang) phối hợp với Niệm Phật đường trên địa bàn tổ chức lễ phát động thả giống tôm, cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực rừng ngập mặn Doi Chỏi thuộc đầm phá Tam Giang với sự tham gia của đại diện ban, ngành chức năng tỉnh, huyện và người dân địa phương. Dịp này, hơn 2.000 con giống cá dìa; 8.000 con cua và 20.000 con giống tôm sú được thả xuống khu vực rừng ngập mặn Doi Chỏi, nơi các loài thủy sản dễ trú ngụ sinh sống để  phục hồi, tái tạo phát triển nguồn lợi, tạo sinh kế cho cộng đồng cư dân ven biển.

Bà Nguyễn Thị Lời (thôn Phương Diên, xã Phú Diên) có mặt từ sớm để tham gia hoạt động này. Bà Lời cho biết, nhiều loại cá đặc sản ở vùng rừng ngập mặn Doi Chỏi gần đây ngày càng ít dần. Do đó nghe tin có hội, đoàn về thả các loại giống tôm, cá ở khu vực này, bà rất vui vì vừa góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản vừa phục hồi đa dạng sinh học...

Tại lễ phát động giảm rác thải nhựa và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới vào dịp đầu năm 2024, tại khu vực cảng cá Thuận An (TP. Huế), Sở TN&MT đã phối hợp tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vùng cạnh cửa biển Thuận An với hơn 100 nghìn con tôm giống…

Lâu nay hoạt động thả các loại giống cá, tôm vào khu vực sông, hồ, đầm phá trên địa bàn tỉnh được ngành chức năng và chính quyền các cấp chú trọng và luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản tại các sông hồ, nhất khu vực đầm phá ven biển ở các địa phương, như Phong Điền, Quảng, Phú Vang, Phú Lộc được tái tạo, hồi sinh…

Ông Lê Văn Tám (xã Lộc Điền, Phú Lộc) gắn bó lâu năm với nghề sông nước ở đầm Cầu Hai chia sẻ, trước đây nhiều ngư dân đã khai thác tôm cá theo cách hủy diệt như bằng xung điện, thuốc nổ… nên nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần; nay qua những dịp thả giống tôm, cá xuống đầm phá đi kèm với tuyên truyền, vận động bảo vệ, phục hồi phát triển nguồn lợi thủy sản nên đa phần họ đã ý thức hơn trong việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nhất là các khu vực khoanh vùng bảo vệ lâu dài. Ông Tám cho rằng, tại các khu vực trên cá, tôm trở lại sinh trưởng nhiều, do đó mỗi khi nghe có những đợt tổ chức thả cá tôm giống xuống đầm phá là ông Tám vui và ủng hộ.

Học sinh, sinh viên tham gia trồng rừng ngập mặn, bảo vệ cân bằng hệ sinh thái trên phá Tam Giang - Cầu Hai 

Nâng cao ý thức bảo tồn

Gần đây, đánh giá của các chuyên gia, nguồn tài nguyên, thủy, hải sản trên hồ, sông, đầm phá ở địa phương đứng trước nguy cơ suy giảm, cạn kiệt do phải chịu nhiều tác động của con người, nhất là mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi. Trước thực trạng này, Thừa Thiên Huế chú trọng khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững.

Hướng đi là tìm cách cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên nguyên tắc tiếp cận, xây dựng hệ sinh thái. Nhiều địa phương chú trọng bảo vệ các khu vực bãi đẻ, không khai thác cá non, cá chưa trưởng thành, bảo vệ đa dạng sinh thái để tăng lượng tái sinh, giảm tỷ lệ chết tự nhiên, nhất là cắt giảm cường lực khai thác để không khai thác quá mức.

Lãnh đạo ngành NN&PTNT từng kêu gọi mỗi khi tham gia thả giống, tái tạo nguồn lợi trên sông, đầm, là rất mong cộng đồng cư dân khi khai thác thủy sản cần chọn lọc, nói không với các nghề cấm, như không sử dụng chất độc, chất nổ, xung điện… Bên cạnh đó, vì môi trường sinh kế bền vững, ngư dân cần có trách nhiệm thả bổ sung các loài thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, góp phần khôi phục, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Mỗi hoạt động thả tôm, cá giống vào đầm phá, nhất là các khu vực được khoanh vùng bảo tồn là điều kiện tốt để phát triển các loài thủy sản bản địa mang giá trị kinh tế cao. Theo đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản cũng là yếu tố quan trọng để cân bằng hệ sinh thái trên đầm phá.

Rất mừng những năm qua, tỉnh có chủ trương xây dựng, thành lập các khu bảo vệ thủy sản (BVTS), cấp quyền khai thác, quản lý mặt nước, hình thành rạn nhân tạo… trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, việc thành lập các khu BVTS dựa vào cộng đồng từng bước thực hiện chính sách của Nhà nước về việc quy hoạch tổng thể, bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Dẫu chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua đánh giá, phân tích có thể thấy sự cải thiện sinh kế của ngư dân khi có hệ thống khu BVTS là rất rõ. Nguồn cua giống, cá dìa giống, cá mú, hồng, nâu, dìa thương phẩm trong khu bảo vệ phát tán ra khu vực xung quanh, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho ngư dân… “Đây là mũi tên trúng nhiều đích” - lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ.

Đến nay, toàn tỉnh thành lập 25 khu BVTS, với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt khoảng 650ha. Bên cạnh các hoạt động trồng rừng ngập mặn, bảo vệ, khai thác nuôi trồng thủy sản hợp lý, các ban, ngành chức năng địa phương đã tổ chức thả hơn 400 “rạn” (lùm cây, bụi trên vùng sông đầm), tạo nơi trú ẩn an toàn cho tôm, cá; thả bổ sung, tái tạo hàng trăm nghìn con tôm, cua, cá giống các loại… để cân bằng, đa dạng sinh học trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Bài, ảnh: SONG MINH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái

Với mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn.

Gỡ khó cho đầu tư khu công nghiệp sinh thái
Return to top