ClockThứ Ba, 30/01/2024 12:34

Vươn dài những “cánh tay” dẫn vốn

TTH - Các tổ vay vốn đang là cánh tay nối dài khơi thông nguồn vốn tín dụng của Agribank cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, để những cánh tay thực sự là cầu nối góp phần đưa nguồn vốn đến gần hơn với người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa cần nhiều hơn sự đồng hành.

Tiếp nhận quà tặng từ chương trình Agribank chung tay vì người nghèoThoát nghèo từ vốn vay ưu đãi

 Nguồn vốn tam nông đang đến gần hơn với người dân

Thấy gì sau 8 năm

Năm 2015, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nông dân ra đời với mục đích khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng cho cả người đi vay và ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống.

Để hiện thực hóa Nghị định này, năm 2016, Agribank Thừa Thiên Huế đã ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân tỉnh về việc cho vay qua tổ vay vốn. Cùng với đó, Agribank Thừa Thiên Huế cũng tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài Hội sở tỉnh, các chi nhánh loại 2 và các phòng giao dịch trực thuộc, Agribank cũng đã đẩy mạnh phát triển hơn 36 máy ATM, CDM; 15 điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dụng đến với các xã vùng sâu, vùng xa giúp người dân tiếp cận vốn ngân hàng một cách nhanh chóng và an toàn.

Theo đánh giá từ Agribank Thừa Thiên Huế, sau 8 năm triển khai thỏa thuận liên ngành, thành công lớn nhất mà thỏa thuận này mang lại chính là nguồn vốn cho vay phát triển tam nông thực sự đi vào cuộc sống. Đến nay, hệ thống tổ vay vốn của Agribank được triển khai khắp thôn, bản của tỉnh và trở thành kênh dẫn vốn và quản lý vốn hiệu quả. Thông qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân trên địa bàn.

 Agribank và Hội Nông dân Thừa Thiên Huế ký kết thỏa thuận liên ngành

Tính đến cuối năm 2023, toàn chi nhánh có 393 tổ vay vốn, trong đó Hội Nông dân quản lý 188 tổ với tổng dư nợ 356 tỷ đồng. So với thời điểm ký kết thỏa thuận ngày 13/7/2022, dư nợ tăng 124 tỷ đồng, tăng 684 khách hàng, giảm 2 tổ vay vốn.

Ông Trương Diên Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền nhấn mạnh, cho vay qua tổ vay vốn đã giảm thiểu đáng kể thời gian đi lại làm thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian vay, tạo điều kiện cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện hiểu biết về ngân hàng được tiếp cận vốn ngân hàng. Thông qua các tổ vay vốn của hội, các hộ có điều kiện gắn bó, liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, giúp nhau trong việc sử dụng vốn sao cho có hiệu quả để cải thiện thu nhập. Từ đây, hoạt động hội cũng đa dạng, phong phú, thu hút được nhiều hội viên quan tâm, tham gia hoạt động hội. Về phía ngân hàng, nhờ có tổ vay vốn với sự giám sát của các hội viên, cán bộ tín dụng đã giúp đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp, tỷ lệ lãi thực thu cao… chất lượng tín dụng nhờ đó cũng được nâng cao.

Nâng cao chất lượng các tổ vay vốn

Nhiều năm qua để thực hiện chính sách của Nhà nước, mỗi năm, Agribank đều dành hàng nghìn tỷ đồng áp dụng lãi suất ưu đãi đối với sản xuất nông nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2023, Agribank đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất thông thường, 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, giảm mặt bằng lãi suất cho vay từ 2-4%. Qua đó, nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện giúp diện mạo nông thôn từng bước đổi thay, cuộc sống của người dân ngày càng cải thiện.

Tuy nhiên, nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng thông qua tổ vay vốn phần nào thấy được mức tăng trưởng này chưa thật sự cao. Một số chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 2023 theo thỏa thuận liên ngành trước đó mà Agribank Thừa Thiên Huế và Hội Nông dân ký kết phấn đấu vẫn chưa đạt theo kế hoạch đề ra. Nhất là các chỉ tiêu, phấn đấu quý 3, quý 4 năm 2022 thành lập ít nhất 3 tổ vay vốn/tổ liên kết tại mỗi hội nông dân cấp huyện; từ năm 2023 trở đi phấn đấu mỗi thôn, bản có 1 tổ vay vốn quy mô mỗi tổ từ 20-50 hội viên, mức dư nợ từ 120 triệu đồng/hội viên vẫn chưa đạt.

Một thực tế được các đại diện hội nông dân đưa ra chính là tại các địa phương chưa thực hiện chế độ giao ban hàng tháng giữa ngân hàng, hội nông dân, tổ trưởng tổ vay vốn để đánh giá hoạt động trong tháng, tồn đọng nợ lãi cũng như khó khăn phát sinh nên các tổ chưa mạnh dạn triển khai cho vay đến các hội viên. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ trưởng trong hoạt động cũng cần được quan tâm hơn.

Nhìn nhận được thực tế này, ông Nguyễn Hải Quân, Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế chia sẻ, để nâng cao hiệu quả, chất lượng của các tổ vay vốn, thời gian tới ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp cùng các đoàn thể để thành lập các tổ vay vốn, Agribank sẽ quan tâm hơn đến chế độ giao ban hàng tháng giữa ngân hàng, hội nông dân, tổ trưởng tổ vay vốn nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu vốn vay của người dân trên địa bàn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua tổ vay vốn; chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn bám sát cơ sở, phối hợp với tổ trưởng nắm bắt tình hình vay vốn của người dân. Ngoài ra, Agribank Thừa Thiên Huế và Hội Nông dân tỉnh cũng phát động chương trình thi đua khen thưởng “Agribank – Hội Nông dân Thừa Thiên Huế chung tay xây dựng nông thôn mới”, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp triển khai thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ. Đơn vị cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt quy chế công khai, dân chủ trong đầu tư tín dụng; chú trọng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ ngân hàng cho các tổ trưởng tổ vay vốn...

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội vững mạnh, nông dân giàu

Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh gắn với tổ chức thực hiện tốt phong trào nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên xuốt của Hội Nông dân (HND) tỉnh. Đây là “chìa khóa” để các cấp HND tổ chức thực hiện có hiệu quả vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Hội vững mạnh, nông dân giàu
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân

Gần 10 năm qua, hội nông dân (HND) các cấp của TP. Huế phối hợp với các ban, ngành liên quan trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt những kết quả nhất định, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân

TIN MỚI

Return to top