Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại
Chị Lê Thị H. ở TP. Huế chia sẻ, khi thị trường đang nóng, tầm đầu năm nay, chị đã “xuống tiền” mua 3 lô đất ở Đông Hà (Quảng Trị) và 2 lô đất phân nền khác ở vùng huyện Hải Lăng chờ thời cơ đến là bán kiếm lời. Sau đó tầm 3 tháng, có nhà đầu tư mới trả chênh giá 3 lô đất ở Đông Hà so với giá mua ban đầu hơn 3 tỷ đồng, nhưng chị không bán vì nghĩ giá sẽ còn lên cao. Tuy nhiên, một thời gian sau đó khoảng 3 tháng, thị trường bắt đầu có dấu hiệu lao dốc. Lúc này chị bắt đầu hoảng loạn, muốn bán bớt 1-2 lô để thu hồi vốn nhưng đã quá muộn. Đến nay, chị H. “mắc kẹt” ở Quảng Trị hơn 20 tỷ đồng.
Ở Huế, chị có khá hơn đôi chút khi vẫn bán được 1 lô đất quy hoạch ở Phú Mỹ (Phú Vang) với giá hơn 3 tỷ đồng để xoay nợ ngân hàng. Chị cho hay, khả năng thị trường BĐS phục hồi có thể phải cuối năm nay đến nửa đầu năm sau. Cũng may là chị vẫn có công việc ổn định nên vẫn chưa bán tháo, bán đổ đất để trả nợ. Nhưng bạn của chị H. thì khác. Chị Hồ Tịnh Th. cũng là người kinh doanh và môi giới BĐS nhưng do không có nguồn vốn tốt, đa số là vay mượn ngân hàng nên khi thị trường chạm đáy, chị buộc phải bán lỗ một số lô đất để trả nợ. Có lô chị bán lỗ so với thời điểm mua 100-200 triệu đồng. “Tính ra, cả tiền lãi ngân hàng trong thời gian vay để mua nữa, mỗi lô phải lỗ từ 300-500 triệu đồng”, chị Th. nhẩm tính.
Hai trường hợp vừa nêu chỉ là số ít trong giới đầu tư, kinh doanh BĐS trên địa bàn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều nhà đầu tư đang “mắc kẹt” với các loại hình BĐS, chủ yếu là đất quy hoạch, đất nền phân lô và chung cư. Nhiều nhà đầu tư chọn giải pháp chấp nhận trả lãi ngân hàng để đợi thời cơ thị trường BĐS phục hồi mới bán. Đó là với những nhà đầu tư có tiềm lực, có thể trả được tiền lãi và gốc. Với những nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, hoặc vay vốn ngân hàng trên 50%/giá trị BĐS thì họ chọn cách bán ngang vốn hoặc lỗ để cắt nợ và thu hồi vốn.
So với một số địa phương lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Bình… thị trường BĐS ở Huế tương đối ổn định hơn và không bị “bong bóng”. Một phần do nhà đầu tư ở Huế khá thận trọng, phần khác, nhu cầu về nhà ở trên địa bàn chưa nóng, quỹ đất vẫn còn khá dồi dào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và các nhà quản lý, sớm muộn, quỹ đất dành cho BĐS cũng sẽ bó hẹp, trong khi con người ngày càng sinh ra và nhiều hơn. Mật độ đô thị hóa sẽ cao hơn. Do đó, nếu có nhu cầu về BĐS thì đây là thời điểm thích hợp để mua nhà, đất để ở cũng tốt mà đầu tư với những người có tiềm lực tài chính cũng là gợi ý hay.
Cũng theo một số chuyên gia, rõ ràng thị trường BĐS đang đi đúng dự báo, tức là sau khi chạm đỉnh sẽ dần đi xuống, thậm chí lao dốc. Đến lúc nào đó sẽ chạm đáy và bật ngược trở lại. Nhà đầu tư nào nắm được quy luật này sẽ thắng, còn không sẽ phải chịu lỗ hoặc may mắn lắm thì ngang vốn. Tuy nhiên, ở bất kỳ thị trường nào cũng có hai mặt của vấn đề. Khi thị trường BĐS chững lại, nhà đầu tư sẽ thôi hoặc do dự “xuống tiền”, thay vào đó, họ sẽ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Như thế, nền kinh tế sẽ có sự chuyển dịch, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Khi thị trường sôi động, giá đất nền, nhà ở cao cũng không phải quá bất lợi cho nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, rất nhiều năm, khi thị trường BĐS sôi động, giá đất quy hoạch khi đưa ra đấu giá luôn cao nhiều lần so với giá ban đầu giúp Nhà nước thu được một khoản tiền không nhỏ. Có năm thu được vài ngàn tỷ đồng. Ít ra thì điều đó đúng với Huế. Như năm 2021, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 1/3 nguồn thu ngân sách địa phương. Đó cũng là một con số không nhỏ với địa phương chưa mạnh về thu ngân sách như Thừa Thiên Huế.
Bài, ảnh: HỒNG TÂM