ClockThứ Ba, 19/02/2019 13:30

Cần 200 tỷ đồng chỉnh trị cửa biển Tư Hiền

TTH - Lượng nước ngọt từ đất liền đổ ra cửa biển ít, lưu lượng dòng chảy giảm, trong khi hiện tượng gió mùa từ biển tăng mạnh, đẩy một lượng cát rất lớn vào bờ, gây hiện tượng bồi lắng và nắn hẹp dòng chảy tại cửa biển Tư Hiền.

“Điểm nhấn” từ kinh tế biển và đầm pháSạt lở bờ biển: Cần 1.700 tỷ đồng để xây kè

Một tàu cá Vinh Hiền phải cập cảng Thuận An

Vào mùa biển lặng, mực nước biển thấp là lúc tàu, thuyền ra khơi tấp nập. Đây cũng là thời điểm tình trạng bồi lắng tại cửa biển Tư Hiền diễn ra phức tạp. Hằng năm có hàng chục vụ tai nạn tàu, thuyền khi ra vào cửa biển Tư Hiền do luồng lạch quá cạn.

Những ngày đầu năm 2019, cửa biển Tư Hiền lại bị bồi lắng nghiêm trọng, nhất là gần đây xảy ra hiện tượng dòng chảy và luồng lạch thay đổi đột biến, khiến 6 tàu cá bị tai nạn (hỏng chân vịt, gãy bánh lái, hỏng máy, mắc cạn), không thể ra khơi đánh bắt, ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân.

Chủ tàu khai thác hải sản xa bờ Nguyễn Quang Khải ở xã Vinh Hiền chia sẻ, tình trạng cửa biển Tư Hiền bị bồi lắng diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây cửa biển sâu 5-7 mét, chừng 10 năm trở lại đây do bồi lắng nghiêm trọng nên chỉ còn sâu một vài mét, có thời điểm, một số vị trí gần như trơ đáy.

Gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, luồng lạch cửa biển Tư Hiền biến đổi liên tục, bồi lắng nghiêm trọng. Nhiều tàu cá bị tai nạn như gãy trục chân vịt và bánh lái do vướng các trụ bê tông cốt thép vốn trước đây là những công trình bảo vệ bờ biển bị xâm thực qua nhiều năm.

Việc bồi lắng tại cửa biển Tư Hiền khiến ngư dân khó chủ động đánh bắt, di chuyển tàu, thuyền vào bờ. Với những tàu tranh thủ đánh bắt, kéo lưới để vào bờ ban ngày có thể dò được luồng lạch, hạn chế tai nạn. Còn những tàu, thuyền phụ thuộc vào luồng cá, mẻ lưới đánh bắt, có khi phải ra vào ban đêm, chưa kinh nghiệm điều khiển di chuyển khiến nguy cơ tai nạn rất cao. Hầu hết các vụ tai nạn tàu, thuyền, mắc cạn thời gian qua chủ yếu diễn ra vào ban đêm…

Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, ông Nguyễn Văn Lợi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền bị cạn, bồi lắng nghiêm trọng, song chủ yếu do tác động của môi trường tự nhiên, nhất là từ khi ảnh hưởng mạnh từ biến đổi khí hậu. Từ tháng 11/2018 đến nay, lượng nước ngọt từ đất liền đổ ra cửa biển ít, lưu lượng dòng chảy giảm rõ rệt, trong khi hiện tượng gió mùa từ biển tăng mạnh làm đẩy một lượng cát rất lớn vào bờ gây hiện tượng bồi lắng và nắn hẹp dòng chảy tại cửa biển.

Tàu ở Vinh Hiền không thể đi biển dù trời yên biển lặng

Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, việc chỉnh trị, ổn định dòng chảy, độ sâu tại cửa biển Tư Hiền là việc làm không đơn giản nếu không có giải pháp tối ưu, nhất là kinh phí. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành đầu tư kinh phí lớn, hỗ trợ thiết thực cho các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức nghiên cứu, tìm giải pháp để chỉnh trị dòng chảy, ổn định luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (CCTL) tỉnh, ông Phan Thanh Hùng cho rằng, lâu nay việc nạo vét cửa biển Tư Hiền là việc làm thường xuyên, song chỉ mang tính tạm thời, chưa giải quyết triệt để. Chi cục đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với các cấp, ngành có biện pháp đầu tư chỉnh trị, chống bồi lắng tại cửa biển Tư Hiền. Tuy nhiên do tập trung ưu tiên kinh phí xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển nên chưa thể đầu tư nạo vét. Vì chưa có kinh phí (dự kiến khoảng 200 tỷ đồng) nên CCTL cũng như các cơ quan chức năng chưa thể nghiên cứu, đưa ra các giải pháp đầu tư cụ thể.

Theo ông Hùng, trước mắt, các địa phương tuyên truyền, vận động ngư dân cẩn trọng khi đưa tàu, thuyền ra vào cửa biển Tư Hiền, tránh xảy ra tai nạn gây thiệt hại đáng tiếc. Các tàu, thuyền có thể cập bến tại Cảng Thuận An, hoặc Đà Nẵng để vận chuyển hải sản lên bờ tiêu thụ. Vào mùa bão, lũ, ngư dân đưa tàu, thuyền vào nơi gần nhất (tính từ vị trí khai thác) để tránh trú như âu thuyền Phú Hải, Phú Thuận và Đà Nẵng, hạn chế tối đa ra vào cửa biển Tư Hiền, tránh tai nạn gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản.

Về lâu dài, CCTL tiếp tục đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư kinh phí để nạo vét, chỉnh trị luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền đảm bảo tàu, thuyền ra vào an toàn, tránh xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc.

Cửa biển Tư Hiền phục vụ tàu, tàu thuyền ra vào không chỉ riêng xã Vinh Hiền mà còn các xã vùng ven biển như Lộc Bình, Lộc Trì… (Phú Lộc) với khoảng 300 chiếc, riêng tại xã Vinh Hiền có số lượng lớn nhất khoảng 100 chiếc. Cách đây hơn 10 năm, huyện Phú Lộc đầu tư kinh phí, thuê doanh nghiệp nạo vét luồng lạch bị cạn nhưng vẫn chưa thể chỉnh trị được dòng chảy khiến cửa biển tiếp tục bồi lắng qua các năm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

KHU NEO ĐẬU TÀU THUYỀN, BẾN CÁ CẦU HAI:
Chưa phát huy tác dụng

Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai tại xã Lộc Trì (Phú Lộc) sau 3 năm đưa vào sử dụng thì các tàu của ngư dân trong vùng không thể vào neo đậu được. Luồng lạch chật hẹp và tình trạng bồi lắng cửa biển Tư Hiền khiến công trình này bỏ phí.

Chưa phát huy tác dụng
Sẽ thi công kè chắn cát chống bồi lấp cửa biển Tư Hiền

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, UBND tỉnh đang rất khẩn trương và quyết tâm để ngay trong quý I, năm 2020 sẽ tiến hành khởi công xây dựng kè chắn cát và nạo vét khơi thông luồng lạch ở cửa biển Tư Hiền (Vinh Hiền, Phú Lộc).

Sẽ thi công kè chắn cát chống bồi lấp cửa biển Tư Hiền
TẬN THU CÁT NHIỄM MẶN TẠI CỬA BIỂN TƯ HIỀN:
Luồng lạch biến đổi bất thường

Sau nhiều lần Công ty CP Khai thác khoáng sản 55 (gọi tắt là Công ty 55) tận thu cát nhiễm mặn tại cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc), tại đây đã diễn ra tình trạng luồng lạch bị cạn, bồi lấp gây nguy hiểm khi tàu thuyền ra vào và hiện tượng sạt lở bờ biển mạnh chưa rõ nguyên nhân.

Luồng lạch biến đổi bất thường
Return to top