Mô hình nuôi tôm chân trắng của Công ty C.P tại Phong Điền
Tiềm năng, mũi nhọn
Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang), ông Đặng Tiến Tùy thông tin: Biển và đầm phá là tiềm năng, “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương. Chính quyền vận động người dân đầu tư nâng cao năng lực khai thác thủy hải sản, trong đó chú trọng nghề đánh bắt xa bờ với khoảng 70 chiếc tàu công suất từ 400 CV trở lên. Hơn 54 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) các loại, như tôm, cua, cá, mang lại nguồn thu nhập khá cao; 65-70% hộ dân chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ đánh bắt và NTTS; sản lượng thủy hải sản hằng năm từ 9-10 ngàn tấn; doanh thu gần 100 tỷ đồng. Hàng trăm hộ mở rộng quy mô chế biến nước mắm, có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ kinh doanh dịch vụ bãi tắm, ăn uống ven biển vươn lên khá giả. Kinh tế biển và đầm phá thúc đẩy phát triển KT-XH là một trong những tiền đề quan trọng đưa xã Phú Thuận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công (Quảng Điền), ông Lê Duận cho biết, các thôn vùng biển có hàng trăm hộ đều dựa vào đánh bắt hải sản, dù chỉ đánh bắt gần bờ nhưng bình quân mỗi thuyền có thể thu nhập vài chục triệu đồng/tháng, trừ các chi phí, mỗi lao động thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Toàn xã có hơn 100 ha mặt nước nuôi xen ghép (tôm, cua, cá) và chuyên tôm chân trắng. Đây là cơ hội cho nhiều hộ dân ven phá thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mới đây Quảng Công được công nhận đạt chuẩn NTM.
Thu mua cá tại cảng Thuận An
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Cho khẳng định, đến thời điểm này, toàn huyện đưa vào thả nuôi 500 ha tôm chân trắng trong tổng quy hoạch 900 ha. Các doanh nghiệp và hộ dân, nhóm hộ nuôi tôm đều đạt hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Không ít hộ nuôi tôm vùng ven biển từ Điền Hương đến Phong Hải vươn lên làm giàu. Các dự án nuôi tôm của Công ty cổ phần C.P Việt Nam tại vùng ven biển, đầm phá ở Phong Điền mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, kinh tế biển và đầm phá trên địa bàn tỉnh chưa bao giờ được khai thác mạnh mẽ như hiện nay. Thành quả có được như hôm nay bắt đầu từ chủ trương của tỉnh, quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch NTTS đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Các địa phương chú trọng đến các khu vực hệ đầm phá, biển đảo từ Phong Điền - Chân Mây - Sơn Chà với mục tiêu phát triển NTTS có hiệu quả cao, ổn định và bền vững trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, lợi thế.
Thừa Thiên Huế có hai cảng cá cỡ trung là Thuận An và Tư Hiền. Vào mùa vụ cao điểm, công năng cảng không đáp ứng nhu cầu phục vụ tối đa cho ngư dân và Cảng cá Tư Hiền gần như không phát huy tác dụng, rất ít tàu cá vào bốc dỡ hàng hóa, do cửa biển cạn, ra vào nguy hiểm.
Toàn tỉnh có khu neo đậu tàu cá tránh trú bão quy mô khá lớn tại xã Phú Hải (Phú Vang) đang hoạt động và một khu neo đậu tàu cá kết hợp bến cá Cầu Hai tại xã Lộc Trì (Phú Lộc) đang xây dựng, với hơn 20 âu neo đậu phòng tránh trú bão phục vụ riêng cho thuyền cá công suất nhỏ; 5 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, song vẫn còn hạn chế về quy mô và năng lực đóng tàu; chưa có cơ sở đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite.
|
Các ban ngành, địa phương cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết NTTS tập trung tại các huyện: Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và TX. Hương Trà. Các hộ dân từng bước ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm thâm canh, theo hướng công nghiệp năng suất cao, quy trình nuôi tôm bằng các chế phẩm sinh học, phương thức đa canh, luân canh, xen canh, nuôi các loài nhuyễn thể có giá trị cao như vẹm, hàu, ngao...
Đánh bắt hải sản là một trong những ngành kinh tế biển quan trọng của tỉnh, có nhiều nhân lực hiện diện trên biển, góp phần tham gia vào việc giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từ các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn, mua sắm lưới cụ hiện đại đảm bảo vươn khơi, dài ngày. Từ chỉ 106 chiếc tàu 90-150 CV cách đây 10 năm (2007), đến nay toàn tỉnh có đến gần 600 chiếc công suất từ 90-830 CV, trong đó có 4 tàu vỏ thép.
Sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu dịch vụ hậu cần khoảng 70 chiếc, thu mua hải sản giúp cho đội tàu khai thác yên tâm bám biển dài ngày. Đây là mô hình tổ chức hoạt động hải sản đặc trưng trên biển của tỉnh, không chỉ thu mua, cung ứng dịch vụ cho đội tàu trong tỉnh mà còn cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định… Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 khoảng 42 ngàn tấn, gấp 1,63 lần so với năm 2007; trong đó khai thác biển đạt 38,5 tấn, còn lại khai thác đầm phá; giá trị sản xuất đạt khoảng 1.700 tỷ đồng.
Trên địa bàn hiện có gần 100 cơ sở chế biến thủy sản với sản lượng khoảng 2.346 tấn sản phẩm/năm; 13 công ty, cơ sở kinh doanh thủy sản có kho lạnh với sản lượng trên 3.000 tấn/năm. Toàn tỉnh có 4 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản được chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được phép chế biến, xuất khẩu. Các công ty này đều được chứng nhận xuất khẩu vào thị trường các nước như: EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina và các thị trường khác được chứng nhận của NAFIQAD. Sản lượng hàng hóa thủy hải sản xuất khẩu trên 1.500 tấn năm 2017.
Bài, ảnh: Hoàng Triều