Bến xe Huế mùa dịch vắng khách
Anh Võ Đại Thanh, chủ xe buýt Huế-Đà Nẵng chia sẻ, hiện nay hễ xe lăn bánh, DN vận tải đang phải chịu rất nhiều khoản, như chi phí vận tải, khấu hao bảo dưỡng phương tiện, nhiên liệu, hóa đơn chứng từ về hàng hóa, cầu đường, bảo trì đường bộ... Hơn 2 tháng trở lại đây, xe vận chuyển hành khách, hàng hóa đến vùng dịch gặp gián đoạn, lượng khách được phép chở cũng bị khống chế dưới 1/2 số ghế trên xe... Tất cả đã tác động lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN.
Ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế lo lắng, không riêng đơn vị ông mà nhiều DN vận tải hành khách ở Thừa Thiên Huế đều sốt ruột khi dịch COVID-19 kéo dài. Với gần 100 phương tiện, trong đó có gần 50% phương tiện hoạt động tuyến liên tỉnh nhưng hơn 50% phương tiện của HTX phải dừng hoạt động vì vắng khách, nhiều xe hoạt động theo chuyến thu chỉ vừa đủ chi. “Gần 1 năm nay, nhiều chủ xe trong đơn vị đã bỏ nghề vì nợ xấu ngân hàng”, ông Cuộc nói.
Bên cạnh nỗi lo trên hiện nay, nhiều DN Vận tải ở Huế quan tâm thêm là khi ngành vận tải phục hồi sẽ không có đủ nhân lực để tham gia sản xuất. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, nhiều lao động chuyển sang làm công việc khác, các DN sẽ phải đối mặt với khó khăn về tuyển dụng, đào tạo lao động, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ DN vận tải gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng theo nhiều đánh giá là chưa đạt hiệu quả “cứu trợ” một cách tốt nhất. Nguyên nhân là các đối tượng không đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra, như phải chứng minh DN đóng cửa từ 30 ngày trở lên, không phát sinh doanh thu, có tối thiểu 70% lao động nghỉ việc. Thậm chí, phương án giảm lãi vay, giãn nợ cho các DN cũng chưa được thực hiện do thủ tục rườm rà...
Hiện nay, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ DN vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch. Bộ GTVT đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt DN vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch COVID-19; đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến cuối năm 2021…
Trước những khó khăn trên, theo cộng đồng DN vận tải ở Thừa Thiên Huế, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trước khi ban hành cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của DN để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ đủ mạnh và kịp thời. Quan trọng hơn, các thủ tục để hưởng hỗ trợ cần dễ thực thi, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, đại dịch COVID-19 đang khiến các DN vận tải lao đao do đứt gãy kết nối, doanh thu giảm nghiêm trọng. Song, đây cũng là “thời cơ vàng” để DN ứng dụng công nghệ kết nối, tương tác với hành khách, tìm kiếm nhiều cơ hội nhằm phát triển. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến để từ đó tìm cách giữ chân khách hàng. Những giải pháp không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn là động lực để DN sớm ổn định hoạt động kinh doanh, từng bước phục hồi thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh hơn khi đại dịch đi qua.
Bài, ảnh: SONG MINH