ClockThứ Bảy, 27/05/2023 14:46

Cảng Chân Mây: Hai mươi năm xây dựng & trưởng thành

TTH - Những năm đầu của thập niên 90, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo đẩy nhanh việc tìm kiếm các địa điểm có thể xây dựng cảng nước sâu dọc theo duyên hải Việt Nam; đặc biệt chú ý việc tìm đầu ra cho các tỉnh miền Trung vốn không thuận lợi về giao thông đối ngoại. Nhóm chuyên gia của Phân viện Vật lý TP. Hồ Chí Minh gồm TS. Trương Đình Hiển, TS. Nguyễn Sỹ Hồng và kỹ sư Bùi Hữu Nghĩa đã tiến hành khảo sát một loạt địa điểm, trong đó có vịnh Chân Mây của Thừa Thiên Huế.

Cảng Chân Mây - cực tăng trưởng kinh tế liên vùngDu thuyền Silver Spirit cập cảng Chân Mây lần đầu trong năm 2023

Trên cơ sở những dữ liệu ban đầu của nhóm chuyên gia và bản đồ giới thiệu vị trí xây dựng cảng ở Chân Mây do kỹ sư Trần Quốc Bửu, nguyên là cán bộ Sở Xây dựng Bình Trị Thiên cung cấp; UBND tỉnh đã bố trí hội nghị chuyên đề trước tập thể lãnh đạo tỉnh vào đầu năm 1996 để nghe TS. Trương Đình Hiển trình bày “Báo cáo nghiên cứu khảo sát lập dự án chọn địa điểm cảng nước sâu và khu công nghiệp Chân Mây”.

leftcenterrightdel
 Tàu du lịch Mein Schiff 5 cập Cảng Chân Mây. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Ông Vũ Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận hội nghị, bày tỏ sự nhất trí cao của lãnh đạo tỉnh đối với đề nghị của UBND tỉnh về việc triển khai các bước tiếp theo của dự án trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với nhóm chuyên gia và các bộ, ngành liên quan.

Từ Hội nghị lịch sử đó, công tác chuẩn bị cho dự án xây dựng Cảng nước sâu và khu kinh tế Chân Mây được tập trung chỉ đạo và thu dược nhiều thành tựu với các dấu mốc quan trọng:

- Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về phê duyệt định hướng quy hoạch đô thị mới Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Năm 1997, Chính phủ có văn bản về việc cho phép lập Dự án tiền khả thi Cảng Chân Mây.

- Năm 2000, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Bến số 1 Cảng Chân Mây.

- Từ năm 2001 đến 2003, khởỉ công xây dựng và hoàn thành Bến số 1 Cảng Chân Mây. Lễ khánh thành dược tổ chức long trọng vào tháng 5/2003.

- Năm 2018 bắt đầu xây dựng Bến số 2 và đưa vào hoạt động vào 18/7/2021.

- Ngày 25/12/2022 khai trương tuyến hàng container nội địa đầu tiên mở ra giai đoạn phát triển mới.

- Từ 2005 đến 2015: Cảng Chân Mây trở thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Đến 2015 được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Cảng Chân Mây chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với tên gọi đầy đủ là Công ty cổ phần Cảng Chân Mây và duy trì tên gọi đó cho đến bây giờ.

leftcenterrightdel
 Khách du lịch đến Huế qua Cảng Chân Mây. Ảnh: Trung Phan

Khi trở thành thành viên của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Viêt Nam. Bộ máy quản lý cảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn qua từng bước.

Kế thừa và phát huy kết quả đạt được trong quá trình chuẩn bị và triển khai xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của khu kinh tế; trong hai mươi năm qua tập thể cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Cảng Chân Mây đã bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Đảng ủy, Ban Giám đốc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam; sát cánh cùng các cấp, các ngành trong tỉnh và các đơn vị liên quan ở Trung ương, kiên trì vượt qua khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện.

Một là, đã cùng với các đơn vị khác trên địa bàn góp phần cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, quyết định của Đại hội Đảng bộ tỉnh, HĐND và UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế; về xây dựng khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô; về xây dựng cảng và mở mang kinh tế biển; tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết để cùng toàn tỉnh và các thành viên khác của Tập đoàn tham gia tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển, hội nhập của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung dọc theo hành lang kinh tế Đông Tây, nối Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanmar theo Đường 9. Đồng thời là nhân tố nòng cốt, là cửa ngõ thu hút đầu tư vào các dự án xây dựng khu đô thị mới Chân Mây, các khu công nghiệp và khu du lịch Bạch Mã - Lăng Cô - Cảnh Dương; thúc đẩy sự liên kết của chuỗi đô thị Huế - Đà Nẳng.

Hai là, đã đóng vai trò có tính quyết định trong việc hình thành một đầu mối giao thông đối ngoại có tầm quốc gia nối trực tiếp với tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông; khai thác sức mạnh kết nối giữa giao thông đường biển với đường bộ và đường hàng không ở một vị trí địa lý thuận lợi chỉ cách Quốc lộ 1A và đường sắt quốc gia chưa đầy 8 km; cách hai sân bay quốc tế Huế và Đà Nẵng từ 30 đến 40 km. Các thế mạnh này sẽ giúp Cảng Chân Mây phát huy vai trò một cảng tổng hợp mạnh và có thể tham gia trung chuyển hàng hóa khi chuẩn bị đủ điều kiện.

Ba là, đã không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng các dịch vụ qua cảng.

Từ sản lượng 12.000 tấn trong năm 2003, lượng hàng hóa qua cảng đã tăng lên gần 3,5 triệu tấn trong năm 2022. Doanh thu trong cùng thời kỳ cũng tăng từ 383 triệu lên đến gần 182 tỷ đồng.

Trong 19 năm, Cảng Chân Mây đã đón 423 tàu du lịch với 834.394 du khách và thuyền viên; cao nhất là năm 2017 trước đại dịch COVID-19 đạt 46 tàu với 126.069 người.

Đến nay, Cảng Chân Mây đã vươn lên là 1 trong 10 cảng biển lớn nhất Việt Nam; là 1 trong 46 cảng biển được Hiệp hội du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng địa điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á và trở thành địa điểm tin cậy của những con tàu du lịch quốc tế hiện đại như Celebrity, Millenium, Cliper, Odysey, Seven Sea Voyager, Nautica…

Với việc khai trương tuyến hàng container nội địa, các ngành kinh tế, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển nhanh hơn nhờ tiết kiệm chi phí và thời gian trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Vị trí của Thừa Thiên Huế trên thương trường quốc tế sẽ từng bước được nâng lên tầm cao mới.

Bốn là, đã tập trung đầu tư khá đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động của cảng, trong đó Bến số 1 dài 480 mét có khả năng tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT và container 2.800 TEUs; và tàu khách có chiều dài 362 mét, tổng dung tích 225.282 GRT. Bến số 2 có chiều dài 280 mét, có khả năng đón tàu hàng trọng tải toàn phần đến 50.000 DWT. Công ty đang hoàn tất thủ tục cần thiết để đón các tàu hàng có trọng tải đên 70.000 DWT.

Hệ thống kho, đường bãi, mạng kỹ thuật, khu đậu tàu; công trình kiến trúc, khu phụ trợ và các thiết bị chuyên dùng được trang bị khá đầy đủ, hoạt động 24/24 giờ, có thể đón tàu cập bến bất cứ thời điểm nào.

Năm là, đã tổ chức sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa bộ máy của cảng với các đơn vị bạn như cảng vụ, hải quan, biên phòng; với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương. Điều quan trọng nhất là đã thường xuyên chăm lo xây dựng hệ thống chính trị; không ngừng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên của cảng về mọi mặt để đủ sức đảm đương nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp.

Hai mươi năm là một chặng đường không quá dài, nhưng những thành tựu đạt được của Cảng Chân Mây rất đáng phấn khởi, tự hào; thể hiện sự đúng đắn trong quyết sách của lãnh đạo tỉnh; quyết tâm phấn đấu không ngừng nghỉ; sự nỗ lực vượt bậc của các cấp các ngành trong tỉnh. Trong thành tích chung đó, có đóng góp to lớn của tập thể cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, những người có sứ mệnh thực thi việc “khai thông nguồn lực với biển”.

Tuy vẫn còn một số tồn tại cần tiếp tục khắc phục về hạ tầng kỹ thuật; về nguồn vốn; về chất lượng nguồn nhân lực... nhưng những thành tựu đạt được là những nhân tố quan trọng để tập thể cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Cảng Chân Mây tiếp tục thực hiện phương châm “Kiến tạo và vươn xa”, phát huy tinh thần khao khát chinh phục; quyết tâm bứt phá giới hạn để tiến xa hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường dịch vụ cảng biển; góp phần xây dựng thành công khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và nỗ lực cùng toàn tỉnh phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới.

Nguyễn Văn Mễ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top