Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Túy Loan - La Sơn qua Thừa Thiên Huế
6 tháng giải ngân gần 36%
Dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) để thực hiện các chương trình, dự án (DA) trọng điểm. Cụ thể, năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh được giao 4.161 tỷ đồng, đến cuối tháng 6/2020 lũy kế giải ngân tất cả các nguồn vốn đạt 35,7%.
Nổi bật là DA trọng điểm về di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế và di dời đất quốc phòng. Nhờ được sự quan tâm của Trung ương bổ sung 900 tỷ đồng, cộng với việc vay thêm Kho bạc Nhà nước và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh 550 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành việc kiểm đếm để thực hiện di dời 2.938 hộ dân với tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng. Tỉnh đang đầu tư hạ tầng 6 khu tái định cư (TĐC), đồng thời, chi trả tiền đền bù và giao đất cho hơn 500 hộ; hoàn thành công tác kiểm kê, công khai giá đền bù cho hơn 2.400 hộ còn lại. Phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành xong việc di dời, TĐC cho 2.938 hộ dân Thượng Thành và 119 hộ quân nhân đang sinh sống tại khu vực thuộc đất quốc phòng.
Thi công dự án cao tốc Túy Loan-La Sơn qua Thừa Thiên Huế
Tỉnh phối hợp hỗ trợ làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai các DA trọng điểm Quốc gia. Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có khoảng 3.200 hộ bị ảnh hưởng, đến nay đã TĐC cho 149 hộ, cuối tháng 7/2020 hoàn thành GPMB; DA mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài đến nay đã hoàn thành công tác GPMB và khối lượng thực hiện đạt khoảng 1.000/6.000 tỷ đồng. Tỉnh đẩy nhanh thực hiện DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế, đã giải ngân được 124/776 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao.
Nguồn vốn ODA giải ngân thấp
Theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các DA sử dụng nguồn vốn ODA được giải ngân thấp, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh (giải ngân vốn ODA chỉ đạt 12,7%). Nguyên nhân được cho là vốn nước ngoài hàng năm được giao vào tháng 12/2019, tuy nhiên một số tiểu DA thuộc DA do các bộ chủ quản lập kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2020 chậm. Có DA được phê duyệt kế hoạch trong tháng 6/2020, có DA phải điều chỉnh kế hoạch và phải chờ bộ chủ quản hướng dẫn các định mức và rà soát DA tổng. Có DA phải chờ phê chuẩn hiệp định vay nên chưa có cơ sở triển khai hoạt động; quy trình rút vốn, thanh toán vốn nước ngoài phải qua nhiều cơ quan kiểm soát, mỗi DA sẽ phải theo một quy định riêng. Do đó, chủ đầu tư còn lúng túng, mất nhiều thời gian trong triển khai các thủ tục.
Một nguyên nhân khách quan nữa do dịch bệnh COVID- 19 ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động, nhất là các hoạt động hiện trường của các DA dẫn đến khối lượng giải ngân thấp. Tác động của dịch bệnh dẫn đến nguồn thu ngân sách sụt giảm, đòi hỏi địa phương phải sắp xếp tiến độ một số DA để ưu tiên vốn thực hiện các DA cấp bách hơn. Các DA sử dụng vốn nước ngoài có nhiều ràng buộc về các chỉ tiêu về chất lượng môi trường, xã hội... cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Thời gian thực hiện và vướng mắc trong công tác GPMB kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân các DA.
10 ngày họp đôn đốc 1 lần
Điều chuyển vốn nếu chậm giải ngân
Một giải pháp mạnh được Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra là thực hiện điều chuyển vốn các DA nếu đến ngày 15/7/2020 chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu; DA đã lựa chọn nhà thầu nhưng khối lượng thi công thấp (dưới 10%), khó đẩy nhanh tiến độ thi công; DA chủ đầu tư có số giải ngân thấp so với quy định nhưng không đăng ký sử dụng vốn và kế hoạch giải ngân theo yêu cầu; DA của chủ đầu tư có năng lực điều hành hạn chế; DA vướng mắc GPMB không khả thi về tiến độ.
|
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cứ 10 ngày 1 lần, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì các cuộc họp đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC), đồng thời kiểm tra, xử lý các DA chậm tiến độ, nhất là các DA trọng điểm.
Những tháng cuối năm, tỉnh tập trung ưu tiên giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi để triển khai thực hiện các DA đã cam kết; ưu tiên giải ngân VĐTC để thực hiện DA di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế và di dời đất quốc phòng; tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các DA lớn của Trung ương trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn điều chuyển cho các DA cấp bách cần vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, có khả năng giải ngân nhanh và thanh toán khối lượng nợ xây dựng cơ bản. Thường xuyên thực hiện việc điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn đầu tư để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu các chủ đầu tư phải có kế hoạch sử dụng vốn và giải ngân VĐTC, cam kết đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch thi công cụ thể từng DA. Ban Chỉ đạo GPMT cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong GPMB, hỗ trợ TĐC để triển khai thực hiện các chương trình, DA trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn VĐTC cho công trình, DA khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác GPMB.
“Các sở, ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định trong lĩnh vực, thực hiện nghiêm các chế tài đối với các vi phạm. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiểu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân VĐTC. Kết quả giải ngân VĐTC là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành của tổ chức, người đứng đầu tổ chức và các cá nhân được phân công theo dõi” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thái Bình