Tại phòng bán vé và chờ tàu chỉ lèo tèo vài hành khách
Tuyến đường dài giảm mạnh
Tại Bến xe phía Bắc TP. Huế (Công ty CP Bến xe Huế), nhiều ngày nay, lượng khách thông qua bến rất ít, chủ yếu các tuyến ngắn Huế- Quảng Trị là còn hoạt động đều khách; còn các tuyến đường dài Huế đi các tỉnh phía Bắc lượng khách giảm rất mạnh.
Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía Bắc thông tin, lượng khách hiện tại thông qua bến giảm từ 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các tuyến Huế đi Bắc Giang, Hà Tĩnh, Vinh giảm mạnh (khoảng 60%). Đặc biệt, các tuyến xe đến các vùng đang có dịch COVID-19 càng vắng khách. Đơn cử, tại bến xe phía Bắc có 2 xe đi Vĩnh Phúc, chỉ vài hành khách/chuyến.
Tại Bến xe phía Nam TP. Huế, tình hình vận tải hành khách cũng không mấy khả quan khi nhiều tuyến phải “chạy xe không”. Do tâm lý chung lo ngại về dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp nên người dân lựa chọn phương tiện xe máy, ô tô cá nhân để phục vụ nhu cầu đi lại hay chọn phương án thuê xe vận chuyển nên lượng người sử dụng dịch vụ vận tải giảm rất nhiều so với trước đây.
Các bến xe đìu hiu vắng khách trong "mùa" dịch COVID-19
Ông Nguyễn Tuất, phụ trách Phòng Kinh doanh Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị có 60 phương tiện phục vụ 12 tuyến các chặng ngắn như xe buýt nội tỉnh, chặng dài ngoại tỉnh và nước ngoài. Từ khi xảy ra tình hình dịch COVID-19 đến nay, nằm trong diện khó khăn chung của các bến xe, lượng hành khách giảm đến 50-60%. Đặc biệt là chặng ngắn của tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại (công ty có 12 phương tiện tham gia tuyến này), có xe rời bến chỉ lèo tèo 3-4 hành khách. Các phương tiện buộc phải chạy vì đã đăng ký tuyến.
Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế đánh giá, hiện nay, do dịch bệnh nên lượng khách đi lại tại các bến xe khách giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các xe xuất bến chỉ đạt sản lượng bình quân từ 20-40% khách, nhiều xe không có khách. Lượng khách giảm kéo theo các doanh nghiệp vận tải giảm tần xuất chạy xe từ 30-50% so với kế hoạch, kéo theo doanh thu xe ra vào bến và doanh thu các loại hình hỗ trợ vận tải giảm mạnh.
Triển khai nhiều biện pháp
Thời gian qua, Công ty CP Bến xe Huế đã triển khai các giải pháp như tiếp tục triển khai cấp phát khẩu trang và dung dịch rửa tay miễn phí cho hành khách, lái xe và nhân viên tại bến xe; tiến hành đo thân nhiệt cho lái xe, hành khách đi xe tại các bến xe do công ty quản lý, nếu thấy hành khách và lái xe nào thân nhiệt cao và có biểu hiện ho, mệt mỏi sẽ báo với đội phản ứng nhanh và khuyến cáo không được đi xe. Tiến hành tiêu độc khử trùng, vệ sinh phòng bán vé và phòng đợi 2 lần/ngày.
Đối với các tuyến xe từ vùng dịch trở về các bến sẽ cho phun thuốc khử trùng từng chuyến một trước khi vào bến xe và trước khi xe xuất bến; đồng thời phối hợp với lái xe và doanh nghiệp vận tải thống kê số lượng hành khách hằng ngày cho cơ quan quản lý về những người về từ vùng có dịch. Các đơn vị cũng triển khai các giải pháp như giảm giá vé, đưa một số tiêu chí phục vụ tốt hơn cho hành khách trên chuyến xe như đưa đón tận nhà.
Đại diện Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế (Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách đi tàu trong thời gian có dịch bệnh sụt giảm mạnh. Cụ thể, vào thời gian cao điểm, lượng khách qua ga Huế khoảng 1.000 hành khách/ngày, đơn vị này đưa vào khai thác 37 chuyến, nay chỉ còn khoảng 500 khách với 14 chuyến đang hoạt động, khiến doanh thu sụt giảm khoảng 50-60%.
Nhân viên phòng bán vé và chờ tàu thông tin, lượng vé bán ra 1 ngày hiện nay tại ga Huế khoảng 100-130 triệu đồng, chủ yếu các chặng ngắn. Tuy nhiên, có ngày hành khách trả vé (chủ yếu là đối tượng sinh viên) có lúc lên đến hơn 80 triệu đồng. Để chia sẻ những khó khăn cho sinh viên, học sinh đi tàu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chi nhánh Vận tải đường sắt Huế cũng áp dụng biện pháp giảm phí khi đổi, trả vé cho các đối tượng này. Theo đó, nhiều trường lùi thời gian nhập học và nhiều khách hàng đến trả vé hoặc đổi vé đơn vị này chỉ thu 10% nếu trả lại vé thay vì 30% như trước đây. Đơn vị cũng thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, phát khẩu trang và có các khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu.
16/56 tàu du lịch hủy cập cảng Chân Mây
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây thông tin, đến đầu tháng 3 đã có 16/56 tàu du lịch lớn, nhỏ đăng ký hủy cập cảng, tương đương với mức thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng và lượng khách du lịch giảm 42.000 người. Các tàu du lịch khi có kế hoạch đưa du khách quốc tế đến tham quan bằng cảng biển phải ký hợp đồng trước đó 6 tháng- 1 năm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, du khách bỏ tour nên các tàu du lịch buộc phải thay đổi kế hoạch.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên