ClockChủ Nhật, 27/08/2023 08:14

Đô thị cho thành phố trực thuộc Trung ương

TTH - Nhiều vấn đề về môi trường, chỉnh trang đô thị, áp lực giao thông và quy hoạch mạng lưới giao thông rất cần các giải pháp căn cơ, phù hợp. Diện mạo một đô thị văn minh, hiện đại là điều tỉnh đang hướng đến trong tiến trình xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương. Xung quanh vấn đề này, Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.

Tạo lập thành phố văn hoá và du lịch thông minh“Đến Huế, như về nhà”

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh

 

Thưa ông, để tạo ra hình ảnh đô thị hiện đại, thân thiện cần nhiều yếu tố, đâu là yếu tố quan trọng nhất?

Để đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng định hướng Nghị quyết 54 thì vai trò công tác quy hoạch là rất quan trọng; trong đó, phải xây dựng và tạo ra hình ảnh, môi trường đô thị hiện đại, thân thiện môi trường, thông minh nhưng đảm bảo việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản là mục tiêu mà Thừa Thiên Huế hướng đến.

Hiện nay, tỉnh đang đồng loạt triển khai các nội dung quy hoạch: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…; các đồ án quy hoạch hoàn thiện đang trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Theo đó, đã xem xét, tính toán quy hoạch lại hệ thống từng đô thị và toàn đô thị nói chung, bao gồm việc quy hoạch hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật..., nhằm quy hoạch lại hệ thống không gian đô thị, đảm bảo đúng định hướng và mục tiêu về quy hoạch đô thị chung theo tinh thần Nghị quyết 54.

 Du khách chèo SUP bên cầu bán nguyệt trên sông Hương. Ảnh: Lê Hoàng

Hình ảnh và mục tiêu của không gian đô thị hướng đến được cụ thể hóa bằng các giải pháp về quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xanh, chuyển đổi năng lượng…, thể hiện bằng các phương án, quy định đảm bảo việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Vậy, định hướng của tỉnh về hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, một số định hướng phát triển quy hoạch giao thông mà tỉnh tập trung đầu tư, xây dựng phải kể đến: Giao thông đường hàng không tiếp tục đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đầu tư hệ thống đường ven biển, nâng cấp và kêu gọi đầu tư cảng Chân Mây, phát triển cảng Điền Lộc và tiếp tục phát huy cảng Thuận An với mục tiêu trở thành cảng trong thành phố…; quy hoạch và phát huy khai thác mạng lưới giao thông đường thủy bao quanh khu vực sông Ngự Hà, hệ thống giao thông đường thủy dọc sông Hương kết nối khu vực Thuận An, hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai…; tiếp tục duy trì hệ thống đường sắt hiện nay theo định hướng quốc gia, hình thành hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao kèm hệ thống BOT và các quỹ đất phát triển dịch vụ đi kèm…; tiếp tục nghiên cứu, mở rộng tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn, nâng cấp các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, quy hoạch và triển khai đầu tư một số cầu kết nối qua phá, nâng cấp hệ thống giao thông đô thị - mở rộng, chỉnh trang các tuyến đường chính trong đô thị, nâng cấp các tuyến đường đảm bảo tiêu chí đô thị tương ứng.

Trước thực tế phát triển hiện nay, làm thế nào để vùng lõi đô thị giảm áp lực giao thông khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?

Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phát huy tốt hệ thống các tuyến giao thông vành đai và có phương án điều tiết, phân luồng phù hợp tại khu vực nội thị, đồng thời, tăng cường và phát huy hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, giao thông xanh sẽ góp phần giải quyết áp lực giao thông.

 Cần đảm bảo an toàn cho du khách đi vào hướng Cửa Ngăn để tham quan

Hiện nay, hệ thống đường tránh phía tây TP. Huế đã một phần giúp hạn chế phương tiện vận tải lớn đi vào trung tâm. Thành phố cũng đang triển khai hệ thống đường vành đai 3 và cầu qua sông Hương, dự án này giúp giảm ách tắc, đảm bảo hệ thống giao thông cho vùng lõi đô thị phía tây - nam thành phố. Phía đông thành phố đang triển khai các tuyến đường, như Thủy Dương - Thuận An, Chợ Mai – Tân Mỹ, đường quy hoạch 60m nối từ Thủy Vân về Phú Đa,… giúp lưu thông thông suốt, đồng thời kéo thành phố về biển gần hơn đảm bảo định hướng phát triển đô thị biển. Ngoài ra, phấn đấu trong năm nay sẽ khởi công tuyến đường Tố Hữu nối dài, kết nối Huế với sân bay Phú Bài, tuyến đường Trưng Nữ Vương,… giúp giảm áp lực cho Quốc lộ 1A đoạn từ Huế về sân bay Phú Bài. Kết hợp các giải pháp tăng cường chỉnh trang hạ tầng trong lõi đô thị của TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Lộc, Phong Điền cũng được quan tâm…

Song hành với hạ tầng, môi trường đô thị cũng cần được quan tâm. Thời gian qua, môi trường đô thị đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Trong 2 năm qua, hệ thống hạ tầng môi trường đô thị đã được quan tâm và từng bước đầu tư hoàn thiện. Một trong những điểm nhấn đó là hệ thống chiếu sáng cho đô thị được tập trung đầu tư. Đặc biệt, Quốc lộ 1A đã tập trung chiếu sáng đạt 85%, tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt đô thị, giảm tai nạn giao thông.

Tỉnh cũng tập trung nâng cấp, giải quyết các vấn đề về môi trường ở các con sông; các dự án chỉnh trang hệ thống thủy lợi, môi trường nước sẽ góp phần đảm bảo môi trường nước cho vùng lõi đô thị; tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác chỉnh trang dọc 2 bờ sông Hương; tiếp tục duy trì và phát huy phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” với nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả hơn.

Tạo ra diện mạo mới cho đô thị, tỉnh tiếp tục quan tâm công tác dọn dẹp vệ sinh và hoàn trả mặt bằng khu vực Thượng thành - Eo Bầu. Tại các khu đô thị mới, hệ thống thoát lũ cũng được đánh giá lại và triển khai với nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ hơn bắt nguồn từ khâu quy hoạch tổng thể.

Để có hình ảnh đô thị đẹp, khang trang, những giải pháp gì giúp tạo hiệu quả trong công tác lập lại trật tự đô thị?

Công tác lập lại trật tự đô thị rất quan trọng, sẽ tạo ra cảm nhận tốt cho người dân, du khách.

Thời gian qua, thành phố đã triển khai rất nhiều giải pháp và nhiều tiện ích cho đô thị như: hệ thống đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ; đầu tư thêm hệ thống bãi đỗ xe dọc 2 bờ sông Hương, cải tạo, chỉnh trang khu vực sân vận động, cải tạo, chỉnh trang và hình thành đường đi bộ Hai Bà Trưng. Triển khai đồng bộ giải pháp chỉnh trang đô thị bằng việc quy định hệ thống mái che, mái vẩy, kẻ chỉ nơi đậu đỗ trên vỉa hè dành cho xe máy; tiếp tục phát động chương trình giành lại vỉa hè cho người đi bộ…

Trước mắt, tỉnh tiếp tục có những giải pháp, quy định cụ thể hơn trong công tác chỉnh trang đô thị và hướng đến việc triển khai quản lý đồng bộ hơn. Trong giai đoạn tới, việc tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch sẽ giúp đô thị Huế cải thiện được các chỉ số về hạ tầng giao thông, đảm bảo được tiêu chí về chất lượng đô thị loại I có xét đến yếu tố đặc thù khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Có khó khăn nào không trong việc triển khai các dự án liên quan đến giao thông, đô thị, giải pháp khắc phục sẽ như thế nào, thưa ông?    

Hiện nay, các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất trong quá trình triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng của tỉnh. Bên cạnh đó, sự biến động của giá nguyên, vật liệu xây dựng, năng lực hạn chế của một số nhà thầu và tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong các tháng mùa mưa bão cũng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai của các dự án. Cũng kể đến việc giữ vững quan điểm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan; tiếp tục phát triển bền vững trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường. Do đó, quá trình quy hoạch, thực thi quy hoạch vẫn có những vướng mắc lớn do một phần tập quán sinh hoạt người dân và quá trình hình thành lâu đời của đô thị hiện hữu.

Tỉnh cũng đưa ra các giải pháp lồng ghép trong quy hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện, các giải pháp như huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp cho đầu tư kết cấu hạ tầng; chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, thành lập các Tổ công tác, thường xuyên đôn đốc, xử lý các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; quy hoạch lại hệ thống di tích có hệ thống vành đai bảo vệ, hỗ trợ phát triển phù hợp; kêu gọi và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng các công trình sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
PG
Phan Hoàng Châu Giang - 28/08/2023 00:25
Đô thị Huế có thể xứng tầm đô thị Trung ương nhưng đối với điều đó cần được cân nhắc điều chỉnh lại không gian chức năng các phân khu của đô thị. Bởi không chỉ nên xác định chức năng phân khu của vùng nội thành mà cần thay đổi các vai trò của đô thị cho nhau. Câu hỏi của tôi xin được đặt ra là vì sao trung tâm hành chính thành phố Huế trực thuộc TW lại chỉ nằm ở vùng lõi Huế mà không phải Hương Trà hay Hương Thủy? Cần nên có sự thay đổi trong không gian đô thị truyền thống, đô thị mới hành chính, chính trị của cả 1 thành phố tầm vóc lớn, phải thật lan toả 1 khu vực đô thị cũ lẫn đô thị mới, tôi cho rằng khi thành phố Huế trực thuộc TW quận Bắc Sông Hương sẽ là đô thị truyền thống của thành phố Huế, quận phía Nam sông Hương là đô thị dịch vụ - thương mại của thành phố. Đối với khu hành chính thành phố cần được quy hoạch ra Hương Thủy. Để Hương Thủy trở thành đô thị hành chính quan trọng của thành phố. Khi quy hoạch đã xác định lộ trình Hương Thủy cần làm điều đó, để TX. Hương Thủy có 1 vai trò quan trọng cũng như khắc phục những hạn chế chưa thể là quận trong giai đoạn Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương. Một ví dụ điển hình trên có thể như thành phố Cần Thơ khi thành phố Cần Thơ cũ được tách ra 2 quận Ninh Kiều, Bình Thủy. Thì quận Bình Thủy lại có 1 vai trò khác nhất định là 1 trong 2 đô thị truyền thống của Cần Thơ. Còn khu Nam Cần Thơ là quận Cái Răng được định hướng là đô thị hành chính. Một trung tâm đô thị mới của Cần Thơ, khắc phục được những hạn chế mà đô thị hiện hữu không thể làm được. Và 1 ví dụ khác là Hải Phòng họ định hướng khu hành chính về huyện Thủy Nguyên thì tại sao tỉnh Thừa Thiên Huế không làm điều đó. Đối với y tế và giáo dục cũng như vậy, có thể quy hoạch các cơ sở về Hương Thủy hoặc Hương Trà. Là những thay đổi của khu vực này đã phần nào được khắc phục, nội thành được mở rộng, đô thị hoá gia tăng. Cần hành động đi đôi với làm trước thời cơ này khi Huế đang được nghị quyết 54, những cơ chế đột phá để phát triển mạnh mẽ.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị

TIN MỚI

Return to top