Ông Trần Đình Quốc, cán bộ giám sát thuộc Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế (chủ đầu tư bến số 3) cho biết, thời gian cao điểm, công ty bố trí gần 100 công nhân của 3 nhà thầu để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Hiện tại đã thi công hoàn thiện phần kè bờ của bến số 3 dài gần 1.000m; phần cầu bến hoàn thiện 85% khối lượng công việc bao gồm hạng mục dầm và bản mặt cầu đang tiến hành thi công; khu vực đổ vật liệu nạo vét dự kiến trong 2 tháng nữa sẽ hoàn thành.
Với 3 nhà thầu, gần 100 công nhân hàng ngày được huy động thi công
Theo đó, toàn công trình sẽ có 1,2 triệu m3 bùn đất được đổ lên bờ. Đến thời điểm hiện tại, khu vực sau bến đã trải vải địa chống thấm tràn ra khu vực xung quanh và tiến hành đổ 400.000m3 (trong tổng số 800.000m3 bùn đất) dự kiến đổ tại khu vực này.
Theo chủ đầu tư, quá trình xử lý kỹ thuật tại đây sẽ có 2 phương án đóng cọc cát và hút thấm chân không. Hiện công ty đang xem xét và nghiêng về phương án đóng cọc cát. Khu vật chất nạo vét sau khi bơm lên sẽ được hút khô và đóng cọc cát tạo mặt bằng bên trên. Khi khu vực sau bến đổ hoàn thiện sẽ làm mặt bằng cho phương tiện vào bến vận chuyển hàng.
Trước đó, việc “loay hoay” tìm phương án và chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng (thủ tục nhận chìm bùn) trong việc xử lý bùn nền đất yếu đã làm tiến độ công trình bến số 3 cảng Chân Mây bị “chững” lại; nay đưa công nghệ mới vào xử lý bùn nạo vét giúp công trình đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, khối lượng bùn nạo vét ở khu vực trước bến, luồng và vũng quay tàu trong quá trình thi công của toàn dự án (khoảng 1,2 triệu m3) được công ty đề xuất đổ vào khu vực sau bến khoảng 800.000m3. Để giải quyết được khối lượng bùn thải này, đơn vị đề xuất và chọn phương án đóng cọc cát hoặc hút khí chân không để xử lý nền đất yếu. Phương án có ưu điểm là thời gian xử lý nhanh hơn gấp 3 lần, chi phí tiết kiệm và hiệu quả hơn trên cùng một đơn vị diện tích bùn nạo vét được đổ lên bờ.
Phương tiện thi công bản mặt cầu bến số 3 cảng Chân Mây
Ngoài ra, các đơn vị thi công hiện tại cũng đang khởi công nhà văn phòng của bến và các công trình phụ trợ.
Bên cạnh bến số 3, bến số 2 cảng Chân Mây cũng đang gấp rút thi công.
Công ty CP Cảng Chân Mây cho hay, hiện tiến độ của dự án bến số 2 đạt khoảng 50% khối lượng. Dự án bến số 2 được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 chủ đầu tư sẽ tập trung đầu tư xây dựng bến cập tàu, đảm bảo cho tàu 50.000 tấn cập cảng làm hàng, 1 cầu dẫn, kè bảo vệ bờ, đường dẫn ra biển, nạo vét khu đậu tàu đến độ sâu -12,5m và khu quay trở tàu độ sâu hơn -12m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 385 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý I năm 2020.
Giai đoạn 2 của dự án, chủ đầu tư sẽ tập trung hoàn thiện các hạng mục công tình còn lại như nạo vét khu đậu tàu đến độ sâu -14m, nạo vét khu quay trở tàu -13,5m, tôn tạo bãi, đường giao thông và bãi hàng rời, công trình kiến trúc và mạng kỹ thuật; thiết bị khai thác trong cảng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 464 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, bến số 2 sẽ trở thành cảng chuyên khai thác hàng rời, khi đó Bến số 1 sẽ phát triển dịch vụ hàng container và tàu du lịch. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - Cảng Chân Mây do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 280m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng đến 50.000DWT.
Dự án bến số 3 cảng Chân Mây có chiều dài 270m, tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải đường thủy có trọng tải 50.000 tấn ra vào. Bến có quy mô 13ha. Trong đó, diện tích bến bãi hơn 10ha và 3ha khu mặt nước trước bến. Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng trên địa bàn tỉnh. |
Toàn cảnh thi công bến số 3 cảng Chân Mây
Tin, ảnh, clip: Hà Nguyên