Thi công công trình kè chống sạt lở sông Tả Trạch, xã Hương Giang (Nam Đông)
Đưa vào danh mục đầu tư
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch vốn các chương trình, DA.
Huyện A Lưới hiện có hơn 80 công trình thủy lợi như đập dâng, hồ chứa nước và kênh, mương thủy lợi… do Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh quản lý khai thác và vận hành, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.080 ha lúa nước 2 vụ.
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư hỗ trợ khác nhau, UBND tỉnh đã cấp kinh phí và giao cho công ty chủ động triển khai công tác khắc phục sửa chữa, duy tu, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ nhu cầu dân sinh và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Năm 2018, UBND tỉnh cấp 4 tỷ đồng; năm 2019 cấp 1,5 tỷ đồng.
Do địa hình đồi núi nhiều khe suối, độ dốc lớn nên vào mùa mưa lũ, các công trình thủy lợi thường xảy ra sạt lở, hư hỏng, xuống cấp. Trong kế hoạch trung hạn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh đã đưa vào danh mục đầu tư 7 công trình thiết yếu gồm: Đập dâng A Bả (xã Hương Nguyên); đập dâng A So 3 (xã Hương Lâm); đập dâng Pa Lanh 1 (xã Bắc Sơn); đập dâng Y Lét (xã A Roàng); đập dâng Tà Riềng (Hồng Trung); đập dâng A Đớt 2 (xã A Đớt) và Trạm bơm điện Điền Sơn (xã Sơn Thủy).
Đối với việc đề xuất kiến nghị của cử tri về việc xây dựng cầu qua sông A Sáp vào vùng sản xuất và khu nghĩa địa tại 2 thôn Ka Nôn1 và Ka Nôn 2 (xã Hương Lâm) và nâng cấp, sửa chữa tuyến đường quốc phòng A Ro - Cân Tôm (Hồng Thủy) đã xuống cấp, theo Sở KH&ĐT, hiện nay kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh giao. Căn cứ vào tính cấp thiết của DA, UBND huyện A Lưới nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trên cơ sở không thay đổi nguồn lực giai đoạn 2016-2020 đã thông báo cho huyện A Lưới theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh.
DA xây dựng nhà máy nước Thượng Long công suất 2.000m3/ngày đêm và mạng lưới cấp nước sạch D50 – D225 các xã Thượng Long, Thượng Quảng, Hương Giang, huyện Nam Đông đang xúc tiến các thủ tục triển khai.
Ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, đây là một trong các DA mới nhằm cấp nước sạch cho 5 xã vùng trên huyện Nam Đông. Hiện nay, Sở KH&ĐT đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.
Đối với các công trình thủy lợi khác, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát thực tế, lập DA đầu tư nâng cấp, sửa chữa để tỉnh xem xét cân đối, lồng ghép bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh, của Trung ương hoặc huy động từ các nguồn vốn khác.
Trồng rừng trên cát tạo sinh kế bền vững cho người dân ven biển, đầm phá
Thêm 2 DA mới
Năm 2019, theo Sở KH&ĐT, đơn vị đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, báo cáo HĐND tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch năm 2019 nguồn ngân sách tỉnh quản lý cho hai DA ODA “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (DA GCF) do Quỹ Khí hậu Xanh viện trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và DA “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế" (DA FMCR).
Theo đó, DA GCF được phê duyệt tại Quyết định số 935/QĐ-UBND ngày 3/5/2018. Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 nguồn ngân sách tỉnh quản lý, vốn đối ứng DA được giao là 4,97 tỷ đồng gồm 0,8 tỷ đồng cho hoạt động Ban Quản lý DA và 4,17 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà chống bão.
Ngày 20/12/2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2963/QĐ-UBND về việc điều chỉnh DA. Theo quyết định này, số hộ được hưởng lợi tăng lên 256 hộ, tương ứng với vốn đối ứng DA tăng 3,36 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Để hoàn thành song song với nguồn vốn tài trợ vào năm 2021, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho dự án GCF là 8,332 tỷ đồng.
Đối với DA FMCR được phê duyệt tại Quyết định số 968/QĐ-UBND ngày 17/4/2019 và được HĐND tỉnh thông qua phương án vay tại Nghị quyết số 10/ND-HĐND ngày 23/4/2019. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện quản lý rừng ven biển tỉnh, tăng khả năng chống chịu trước bất lợi của hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng với 430 ha rừng được trồng mới, phục hồi rừng phòng hộ ven biển 1.100 ha. Khoảng 90 cộng đồng của địa bàn 32 xã, thị trấn sẽ được DA hỗ trợ trồng cây và hưởng lợi. Hiện nay, DA đã kiện toàn bộ máy tổ chức và quản lý để bắt đầu triển khai.
Bà Hoàng Thị Thúy Hồng, Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại - Sở KH&ĐT cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DA thực hiện theo tiến độ cam kết với nhà tài trợ, Sở KH&ĐT đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung 2 DA GCF và FMCR vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn ngân sách tỉnh quản lý. Trong đó, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn của DA GCF là 8,332 tỷ đồng; bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn của DA FMCR là 12 tỷ đồng (42% tổng vốn đối ứng DA đề nghị phê duyệt), vốn kế hoạch năm 2019 là 2 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên