ClockThứ Tư, 18/12/2019 05:15

Đổi mới tư duy, khai thác tiềm năng, thế mạnh

TTH - Ngày 10/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Thừa Thiên Huế xin lược ghi ý kiến của lãnh đạo tỉnh, chuyên gia đầu ngành về sự kiện quan trọng này.

Khai thác tiềm năng ẩm thực chaySẽ chú trọng mảng du lịch tâm linhTập trung đầu tư khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh

Huế ngày càng xanh, sạch, sáng. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình: Phải xây dựng được bộ tiêu chí đặc thù

Mục tiêu xuyên suốt của Nghị quyết 54 là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện được mục tiêu đó, phải xây dựng cho Thừa Thiên Huế một bộ tiêu chí đặc thù đô thị trực thuộc Trung ương mà vẫn phát huy được các giá trị của di sản, các giá trị của văn hóa riêng có của tỉnh.

Thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải xác định được những nét đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế, kết hợp và xử lý một cách tốt nhất mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, để văn hóa thực sự là nền tảng, là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển của Thừa Thiên Huế.

UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu: Một hướng đi mới rõ nét hơn

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với Thừa Thiên Huế, mở hướng đi để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa; tiếp tục đầu tư, hình thành các trung tâm văn hóa du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo.... xứng tầm của khu vực và cả nước.

Nghị quyết đã tạo ra một hướng đi mới rõ nét hơn, cụ thể hơn cho Thừa Thiên Huế. Trước mắt, tỉnh sẽ hoàn chỉnh các công trình đô thị di sản đặc thù; tiếp tục phát triển kinh tế trên nền tảng bảo tồn và phát triển, tiếp tục đầu tư xây dựng các khu kinh tế vùng ven, tạo điều kiện hỗ trợ về kinh tế, đời sống, việc làm cho người dân và tăng thu nhập, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Huế ngày càng xanh, sạch, sáng. Ảnh: NP

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ: Tập trung phát huy những giá trị riêng có

Tỉnh sẽ đề ra những giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Đảng bộ và Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương chuyển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung xây dựng quy hoạch tốt để nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh đến đầu tư; nâng cao chất lượng kinh tế, chất lượng cuộc sống người dân; điều chỉnh lại địa giới của Huế, của các địa phương để đảm bảo xứng tầm trong tương lai.

Thừa Thiên Huế sẽ phát triển nhanh trên nền tảng tri thức và văn hóa. Không phát triển những đô thị lớn, những khu công nghiệp lớn mà phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại, hướng tới một đô thị sinh thái, di sản, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

TS. Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Phải giải quyết thành công mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển

Có thể nói, cho đến nay không nơi nào ở Việt Nam được như Huế, tức là còn giữ gìn, bảo tồn kho tàng văn hóa phi vật thể cộng với cảnh quan thiên nhiên hết sức đặc sắc, kể cả lối sống Huế, con người Huế, phong tục tập quán...

Để phát huy những lợi thế này, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, phải có một quy hoạch chiến lược để đánh giá đúng tiềm năng di sản, cái gì cho việc bảo tồn, cái gì cho sự phát triển. Mấu chốt thành công là giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

GS. TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: Phấn đấu trở thành Trung tâm Y học cao cấp

Tiến tới tầm nhìn 2030, Bệnh viện Trung ương Huế phấn đấu trở thành Trung tâm Y học cao cấp, đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao có thương hiệu quốc tế.

Thời gian qua, chúng tôi đã tập trung xây dựng trung tâm kỹ thuật cao về tim mạch, ghép tạng, huyết học truyền máu. Dự báo đến 2030 - 2045, các thiết chế của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ đáp ứng được mong muốn của tỉnh trở thành trung tâm y tế chuyên sâu.

PGS. TS. Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Trung ương cần đầu tư để giúp Huế phát triển

GS.TS. Trần Du Lịch đã nói, Huế được UNESCO bảo vệ bền vững. Vậy điều kiện ấy đã làm cho Huế xứng đáng hơn bất cứ nơi nào khác. Tôi mường tượng là làng cổ Phước Tích nếu đầu tư tốt, không cần khách sạn mà mỗi ngôi nhà là một homestay, phức hợp homestay. Những nơi mà một loạt homestay, khách sạn mà không phải khách sạn, khách sạn đồng thời là di sản. Rồi phố cổ Bao Vinh…

Nếu chúng ta coi Huế là thành phố di sản thuộc Trung ương thì Trung ương phải đầu tư để giúp Huế phát triển.

Anh Phong (lược ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình

Trong 2 ngày 23 và 24/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn công tác quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Quản lý cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng đổi mới chương trình
Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Thúc đẩy phát triển và khả năng phục hồi toàn cầu

Báo cáo thường niên năm 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố đã tóm tắt một năm hành động quyết liệt nhằm giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển của thế giới. Báo cáo nêu bật những bước tiến đáng kể trong xóa đói giảm nghèo, hành động vì khí hậu, giáo dục và quan hệ đối tác toàn cầu.

Thúc đẩy phát triển và khả năng phục hồi toàn cầu
Return to top