ClockThứ Năm, 16/02/2023 14:27

Dự án cao tốc Bắc-Nam lại đối diện nỗi lo nguồn vật liệu xây dựng

Với một số dự án cao tốc Bắc-Nam, nguồn vật liệu khai thác, cung ứng theo giấy phép như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công, ảnh hưởng tiến độ công trình.

Thi công cao tốc Bắc Nam xuyên TếtCông trường thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II không nghỉ sau khởi côngTiếp tục giải ngân hơn 8.500 tỷ đồng thi công cao tốc Bắc Nam

Một số dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 lại đối diện nỗi lo nguồn vật liệu xây dựng. Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+

Nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 bắt đầu đối diện nỗi lo về nguồn vật liệu thi công. Nếu cơ quan Nhà nước không có giải pháp quyết liệt và tháo gỡ khó khăn trước mắt, công trình này sẽ bị ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành.

Theo thống kê của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa cần khoảng 17,1 triệu m3 đá; khoảng 8,95 triệu m3 cát và khoảng 45,3 triệu m3 đất đắp.

Với nguồn trữ lượng này, theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, các mỏ đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ dự án nhưng về khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

Dẫn chứng, với tổng công suất cát khai thác hiện nay (khoảng 1,76 triệu m3/năm) và tính nhu cầu cát cho thời gian thi công 1,5 năm, các mỏ đang khai thác còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3, trong đó nhiều nhất là tỉnh Quảng Bình thiếu 1 triệu m3. Công suất đá khai thác khoảng 6,4 triệu m3/năm, lượng đá còn thiếu khoảng 7,5 triệu m3, trong đó Hà Tĩnh thiếu 1,4 triệu m3, Quảng Bình thiếu 1,56 triệu m3.

Riêng dự án cao tốc đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, theo khảo sát, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch khoảng hơn 215 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ; tỉnh Đồng Tháp 33,57 triệu m3/10 mỏ; tỉnh Vĩnh Long 42,3 triệu m3/10 mỏ; tỉnh Sóc Trăng 85 triệu m3. Tuy nhiên, đối với các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất.

Với nhu cầu vật liệu cát khoảng 18,5 triệu m3 dành cho dự án cao tốc này, hiện công suất khai thác của 24 mỏ chỉ rơi vào khoảng 6,17 triệu m3/năm.

Mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng các địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất.

Là nhà thầu thi công 24km đường gói thầu XL2 dự án cao tốc Vũng Áng-Bùng, theo tính toán của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, công tác xử lý nền đất yếu (khoảng 4-5km) tại gói thầu sẽ cần khoảng gần 1 triệu m3 cát trong năm 2023.

“Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, khối lượng đáp ứng thực tế tại địa phương chỉ được khoảng 20-30%. Tại Quảng Bình, mỏ cát rất dồi dào nhưng công suất khai thác rất nhỏ, mỗi năm chỉ được 20.000-30.000m3. Để dự án đảm bảo được tiến độ, công suất các mỏ cát, đá hiện hữu cần được nâng lên gấp 3-5 lần hiện tại,” đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành kiến nghị.

Đề xuất giải pháp xử lý các vướng mắc trên, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ đề nghị các tỉnh khẩn trương bổ sung quy hoạch các mỏ đất, mỏ cát chưa có trong quy hoạch để triển khai các thủ tục cần thiết, sẵn sàng cho nhà thầu khai thác khi triển khai dự án; hỗ trợ trong công tác thăm dò, khảo sát các mỏ; tăng công suất khai thác, mở thêm các mỏ mới...

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt các thủ tục đối với các mỏ khai thác mới (thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất hay thực hiện theo hình thức chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất); rà soát lại quy hoạch mỏ cát sông trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm nguồn cung cấp cho các dự án.

Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các địa phương phải thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại các mỏ vật liệu (chủ động rà soát các mỏ vật liệu đã cấp, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục đối với mỏ cấp sai); xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng găm giá, liên kết với nhau để nâng giá làm ảnh hưởng thi công dự án.

Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cần rà soát, nâng công suất các mỏ cát phục vụ trực tiếp xây dựng các tuyến đường cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng đủ về khối lượng, tiến độ và hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác đánh giá việc sử dụng cát biển cho đường bộ cao tốc theo nguyên tắc làm nhanh nhưng bảo đảm tính khoa học và an toàn môi trường.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top