Hệ thống xe chuẩn bị đưa vào tuyến buýt Huế - Đà Nẵng
Dùng ngân sách thay vì thu 4,2 triệu đồng/xe
Dư luận cho rằng, việc chuyển đổi tuyến xe cố định Huế - Đà Nẵng thành tuyến xe buýt là chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh. Nhưng trong thực hiện vẫn có những việc cần làm rõ về nộp tiền làm biển báo và có doanh nghiệp vận tải chạy ít hơn. Đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải làm rõ vấn đề này.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT), phương án chuyển đổi tuyến cố định Huế - Đà Nẵng thành tuyến xe buýt liền kề và ngược lại đã quy định thời điểm bắt đầu đưa vào vận hành khai thác từ 1/1/2020. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất và sẽ chính thức đưa tuyến buýt này vào khai thác đúng ngày dự định.
Đối với nội dung phân bổ mỗi đầu xe 4,2 triệu đồng để xây dựng biển báo tại 32 điểm dừng đỗ trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT cho rằng, tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng là tuyến xe buýt không trợ giá, đây là tuyến vận tải có lượng hành khách đông và ổn định, do đó các chủ phương tiện hoạt động trên tuyến có thuận lợi hơn so với các tuyến khác.
Để góp phần thực hiện xã hội hóa một phần đầu tư trên tuyến xe này, đồng thời nâng cao ý thức tham gia, gìn giữ bảo vệ hạ tầng phục vụ xe buýt trên tuyến, Sở GTVT chủ trương vận động và đã nhận được sự đồng tình các doanh nghiệp, hợp tác xã đang tham gia khai thác trên tuyến thông qua Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế, với mục đích đóng góp đầu tư các biển báo điểm dừng xe buýt tại 32 điểm, kinh phí thực hiện khoảng 185 triệu đồng. Sở GTVT khẳng định chủ trương xã hội hóa nói trên là đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vừa qua, một số chủ xe có phản ảnh với các doanh nghiệp và hợp tác xã về tình hình tài chính khó khăn do vừa mới đầu tư phương tiện (thay thế xe khoảng 1-1,2 tỷ đồng), lắp thiết bị giám sát hành trình, lắp biển báo điện tử, lắp camera giám sát trên xe… nên đề nghị Sở GTVT xem xét lại vấn đề này.
Theo nguyện vọng của một số chủ xe nói trên, Sở GTVT đồng ý bố trí vốn ngân sách để lắp đặt 32 biển báo nói trên, đồng thời yêu cầu các chủ xe tập trung tài chính để lắp đặt các biển báo điện tử, camera giám sát theo yêu cầu.
Đình chỉ nhà máy sắn không ảnh hưởng tiêu thụ
Người dân Phong An, Phong Điền thu hoạch sắn
Dư luận cho rằng, Công ty CP tinh bột sắt Thừa Thiên Huế do vi phạm về xử lý môi trường, nên bị xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động 3 tháng gây ảnh hưởng đến tiêu thụ sắn củ của nông dân huyện Phong Điền, Nam Đông và A Lưới. Giải pháp nào cho nông dân khi mùa mưa đang đến?
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (chi nhánh Công ty cổ phần FOCOCEV Việt Nam, xã Phong An, huyện Phong Điền) do vi phạm việc thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường đã được duyệt nên Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 26/11/2019 với tổng số tiền xử phạt là 478 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 3 tháng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng sắn toàn tỉnh năm 2018 khoảng 116.000 tấn, diện tích trên 7.000 hecta. Phần lớn sản lượng sắn được các hộ nông dân cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (nhà máy tiêu thụ khoảng 50.000 tấn sắn tươi/ năm). Ngoài ra, sắn còn được người dân sử dụng chế biến lương thực, thực phẩm (khoảng 5.120 tấn) hoặc làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Về tình hình chế biến, xuất khẩu nguyên liệu sắn hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến sắn trên cả nước đã chạy máy vụ 2019-2020, ngoại trừ một số tỉnh phía Bắc. Bên cạnh đó, nguồn sắn lát vụ mới chưa có nên các giao dịch hiện nay chủ yếu là hàng vụ cũ; tồn kho thấp dẫn đến giá bán ra vẫn được duy trì ổn định. Như vậy có thể thấy nông dân trồng sắn hiện nay đang rất thuận lợi trong việc tiêu thụ nguyên liệu sắn.
Đối với bà con nông dân trồng sắn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc trồng trọt lâu nay theo thói quen cũ, chuyên canh và ít chủ động tìm hiểu thị trường nên việc Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế tạm ngưng thu mua nguyên liệu sắn khiến bà con nông dân gặp phải tâm lý hoang mang. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan liên quan tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, động viên bà con nông dân thực hiện cung cấp nguyên liệu sắn cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn lân cận như Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Thái, nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa (Quảng Trị)….
Bài, ảnh: Thái Sơn