Nguyên nhân được đưa ra để lý giải điều này là do mưa lũ, nước chảy mạnh, chảy xiết, triều dâng, sóng lớn… Nói chung là thấy đổ cho nguyên nhân khách quan là chủ yếu chứ ít khi thấy chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, đơn vị giám sát, nhà thầu nhìn nhận nguyên nhân chủ quan!
Về mặt nguyên lý, không có cái gì đạt mức độ hoàn thiện 100%. Ai dám bảo thiết kế hàng trăm công trình lớn nhỏ không gặp phải một sai sót nào? Ai dám chắc hàng trăm, hàng chục nhà thầu không có nhà thầu vì lợi nhuận mà làm giảm chất lượng công trình? Cũng tương tự, đơn vị giám sát, chủ đầu tư công tâm không màng đến chuyện “phết phẩy”?
Tất cả các công trình hạ tầng phần lớn là từ nguồn tiền đầu tư công. Vì là nguồn tiền công nên rất dễ bị “nhòm ngó”. Chuyện mới đây nhất là một số CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) mua thiết bị y tế nâng giá lên gấp mấy lần; làm chuồng bò theo dự án hỗ trợ ông dân với giá “biệt thự”… Mà mỗi lần như vậy không phải tiền triệu mà là tiền tỷ. Nâng giá để rút ruột là một cách. Một cách khác có thể là hạ chất lượng thiết bị, công trình…
Tất cả những hư hại, 100% được đổ vì do nguyên nhân khách quan là điều không thể. Trong khi nguyên nhân chủ quan gần như không được nhìn nhận.
Hiện nay, theo luật định, các công trình hạ tầng phải đóng bảo hiểm công trình. Với nhà thầu thì phải bảo hành. Những công trình đầu tư công còn trong giai đoạn bảo hành, bảo hiểm thì các đơn vị liên đới chịu. Chẳng may nếu hết thời gian này, đương nhiên Nhà nước phải bỏ tiền ra để sửa chữa hoặc làm mới. Vì vậy, tìm một giải pháp để kiểm soát chặt chẽ chất lượng chương trình đầu tư công là hết sức cần thiết.
Nước lụt thì lút cả làng. Nhiều công trình nhà dân ở các vùng trũng chỉ được xây dựng ở mức cấp 4. Nước lụt dân ngập lên ngập xuống nhưng không thấy hoặc rất ít nhà dân bị sập. Từ thực tế này, chúng ta có thể đặt ra vấn đề chất lượng công trình đầu tư công. Xin lấy một ví dụ để phân tích. Ví dụ như vụ hư hại tràn Đập Đá vào năm 2017. Đây là một đập tràn để khi nước dâng cao phải tràn qua. Hễ cứ mực nước báo động cấp 2, cấp 3 là có thể ngập. Mà ngập là chuyện thường xuyên ở Huế. Thế thì chúng ta thiết kế, thi công như thế nào để chịu được mức độ này! Tương tự, như lý luận sự hư hại công trình phía đông, tây đầm Lập An là do nước, sóng đánh mạnh. Một công trình ven đầm phá, tiếp cận với nước và thủy triều… cần phải tính toán mức độ chịu được sự tác động của nước ở cấp bao nhiêu là đủ, tính toán thêm sai số chịu sự tác động theo hướng tích cực hơn thì chắc chắn công trình sẽ bền vững hơn. Những điều này chúng ta có thể hoàn toàn tiên lượng được. Vì vậy có thể xem đây là những hạn chế do nguyên nhân chủ quan gây ra cần phải được khắc phục.
Nếu không đánh giá đúng những nguyên nhân chủ quan có thể làm hư hại công trình từ nguồn vốn đầu tư công, mà cứ “đổ cho mưa lũ” thì chắc chắn, điều này sẽ còn lặp lại!
NGUYÊN LÊ