ClockThứ Bảy, 01/01/2022 14:15

Đường lớn đã kết nối

TTH - Cùng với các cao tốc đang đi qua, nhiều tuyến đường lớn đã, đang mở ra để kết nối liên hoàn, tạo thêm nhiều động lực mới cho Huế.

Thu hút nhà đầu tư 'rót tiền' vào hạ tầng cảng biểnHạ tầng giao thông - động lực cho ngành du lịchNhững công trình “tạo nền”Kết nối liên hoàn hạ tầng giao thông ven biểnNhững dự án kỳ vọng tạo sự đột phá cho hạ tầng giao thông

Cao tốc La Sơn - Túy Loan qua địa bàn huyện Nam Đông chuẩn bị đưa vào hoạt động

Kết nối phố - biển

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối năm 2021, đường tây phá Tam Giang - Cầu Hai, nằm trùng với Tỉnh lộ 10A (TL10A) dài hơn 12km, mặt đường rộng 7m (cùng lề 2 bên, mỗi bên rộng 1m) với điểm đầu giao với đường Thủy Dương - Thuận An (TP. Huế) và điểm cuối tuyến giao với TL10B (Phú Vang) chính thức khởi công. Kinh phí thực hiện tuyến này hơn 105 tỷ đồng, trong đó vốn xây dựng hơn 70 tỷ đồng do Công ty CP Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế - Công ty CP Xây dựng giao thông Thừa Thiên Huế... thi công; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Ngày đầu báo hiệu tuyến đi qua, bà con trong khu vực phấn khởi bởi những mong ước hơn 1 thập niên qua giờ đã trở thành hiện thực - của một huyết mạch giao thương từ TP. Huế về phía đông qua huyện Phú Vang không còn “điểm nghẽn” nối vào “đại lộ” Thủy Phù - Vinh Thanh qua cầu Trường Hà nối các xã bên kia phá Tam Giang.

Khi đường tây phá Tam Giang - Cầu Hai khởi động, ông Huỳnh Văn Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang không giấu niềm vui: “Chỉ hai năm nữa thôi sẽ tạo diện mạo mới cho liên vùng, trong đó giúp Phú Vang đột phá về kinh tế - xã hội (KT-XH), hàng hóa ra vào Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa thuận lợi hơn”.

Kết nối với điểm đầu đường tây phá Tam Giang - Cầu Hai là điểm giao với tuyến Phú Mỹ - Thuận An dài hơn 4,2km, rộng 36m khởi công vào năm 2018 kinh phí hơn 345 tỷ đồng đang giai đoạn nước rút. Theo ý tưởng của lãnh đạo tỉnh, khi tuyến này hoàn thiện hai bên sẽ tạo ra quỹ đất “lợi thế” hình thành các khu dân cư mới, các trung tâm du lịch, dịch vụ đưa phố về gần biển.

Cũng từ điểm đầu của tuyến Phú Mỹ - Thuận An theo TL28A ngược 4km kết nối đường Võ Văn Kiệt. Không xa nữa, tuyến sẽ kết nối với đường vành đai 3 phía tây TP. Huế dài hơn 8,3km, rộng 43m có điểm đầu nối TL8B bắt đầu khởi động vào năm 2022 bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025. Sau khi các tuyến hoàn thiện sẽ tạo huyết mạch liên hoàn, góp phần chống ùn tắc, giảm tải lưu lượng giao thông qua trung tâm TP. Huế và cho phép hai bên quy hoạch, sắp xếp các khu dân cư, đẩy nhanh đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy việc phát triển KT-XH, cải thiện đời sống dân sinh địa phương liên vùng từ thị xã Hương Trà qua thị xã Hương Thủy hướng về biển. Đây cũng là tuyến quan trọng nhằm mở rộng, giảm tải cho Quốc lộ (QL) 1A và tăng cường khả năng liên kết với sân bay Phú Bài và các KCN Phú Bài (Hương Thủy) khi tuyến Tố Hữu (TP. Huế) nối dài đến sân bay Phú Bài vừa được UBND tỉnh điều chỉnh vốn 450 tỷ đồng bằng ngân sách địa phương, với chiều dài hơn 8km chuẩn bị khởi công.

Đột phá phát triển liên vùng

Bên cạnh những cao tốc đã rõ hình hài, cùng QL49B nối từ TP. Huế lên phía tây miền núi A Lưới; La Sơn - Nam Đông cũng như nhiều tuyến giao thông đường bộ chạy theo trục ngang, dọc kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến vùng lân cận, người dân rất vui khi QL49B từ Thuận An (Phú Vang) đến Vinh Hiền qua cầu Tư Hiền - nối QL1A (Phú Lộc) dài hơn 48km, vốn đầu tư hơn 761 tỷ đồng hiện đã cơ bản hoàn thiện. Nhờ cung đường này chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên QL1A cũng như rút ngắn khoảng cách từ TP. Huế xuôi về vùng xa và ngược lại.

Điểm cuối đường Võ Văn Kiệt nối Tỉnh lộ 28A về điểm giao giữa 2 tuyến Phú Mỹ - Thuận An và tuyến tây phá Tam Giang - Cầu Hai vừa khởi động thi công

Ở cửa ngõ phía bắc của tỉnh, tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc có điểm đầu nối QL1A đi qua thị trấn Phong Điền, điểm cuối đến biển Điền Lộc (Phong Điền) dài 16,5km, tổng vốn đầu tư hơn 671 tỷ đồng. Dù hiện nay còn một số đoạn tại điểm cuối do vướng mặt bằng, nhưng một số đoạn đã làm xong qua thị trấn Phong Điền, Phong Chương... tạo một diện mạo mới về hạ tầng cho các địa phương, kết nối KCN Phong Điền, nhà máy xi măng Đồng Lâm... Tuyến này đưa vào sử dụng sẽ chia sẻ bớt lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên TL6 qua trung tâm Phong Điền và muốn về các xã Ngũ Điền (Phong Điền) cũng được rút ngắn thời gian đáng kể do khỏi đi đường vòng ra Mỹ Chánh (Quảng Trị) và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ cứu nạn... Đây là tuyến tạo động lực để sớm quy hoạch xây dựng cảng biển chuyên dụng Điền Lộc (Phong Điền) trong vài năm đến.

Hiện nay tỉnh cũng cho phép khởi công tuyến đường bộ ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc dài gần 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B, chiều dài toàn tuyến còn 85km, kinh phí dự kiến 6.480 tỷ đồng, mặt đường rộng 26-36m. Trên tuyến có công trình cầu vượt biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) dài 1,5km với kinh phí 1.200 tỷ đồng được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá phù hợp với quy hoạch đường ven biển miền Trung. Tuyến này được xem là “siêu DA”, là “con đường vàng” thuận lợi với mạng lưới giao thông từng địa phương và kết nối các tỉnh, thành ven biển miền Trung, đưa KT-XH và du lịch biển Thừa Thiên Huế “cất cánh” cao hơn...

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT thông tin, trước yêu cầu phát triển mới, bức tranh giao thông được hoạch định cụ thể đường tỉnh, đường huyện và các đường lớn sẽ kết nối liên hoàn từ nay đến năm 2030 trên cơ sở Quyết định 1174 của UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015. Đồng thời, có bổ sung điều chỉnh phù hợp theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; cũng như đã điều chỉnh mở rộng diện tích TP. Huế lên gần gấp 4 lần so với thời gian qua. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho giao thông giai đoạn 2021-2030 khoảng 46.996 tỷ đồng. Rất mừng với cơ chế đặc thù để sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 mà Chính phủ vừa thông qua là cơ hội cho địa phương có những cơ chế chính sách tốt tạo động lực phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó sẽ huy động tốt các nguồn lực để có nhiều hơn những con đường mới ra đời...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch

Huế có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng vẫn còn hạn chế trong việc liên kết phát triển du lịch, nhất là kết nối giữa các điểm đến, kết nối điểm đến với doanh nghiệp lữ hành. Đây là điểm cần khắc phục để tăng sức hấp dẫn và tạo ra nhiều trải nghiệm thu hút khách.

Kết nối các tuyến, điểm phát triển du lịch
Return to top