ClockThứ Năm, 07/10/2021 15:00

Giá đất ở nông thôn: Tăng thực hay ảo? - kỳ 2: Để đất ở đạt giá trị thực và được kiểm soát

TTH - Có nhiều nguyên nhân khiến giá đất ở nhiều nơi tăng. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tránh tình trạng sốt ảo, làm xáo trộn thị trường bất động sản (BĐS), ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đời sống, thu nhập của người dân.

Giá đất ở nông thôn: Tăng thực hay ảo? - kỳ 1: Trao qua bán lại

Giá đất tại các phiên đấu giá thường được đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba so với giá khởi điểm

Khi đất làng lên phố

Cách đây chưa lâu, phiên đấu giá đợt một khoảng chục lô đất tại khu dân cư Bầu Được, phường Thủy Châu, TX. Hương Thủy được tổ chức. Giá khởi điểm từ 4,7 - 5,5 triệu đồng/m2. Kết thúc buổi đấu, giá mỗi lô tăng lên tầm 13 triệu đồng/m2.

Anh Huy, một người có mặt tại phiên đấu giá trò chuyện, tuy dịch giã, nhưng phiên đấu giá vẫn đông người, xe cộ tấp nập. Nghe phong phanh sẽ có tuyến đường nối từ TP. Huế về sân bay Phú Bài chạy ngang qua đây, nên ai cũng hứng thú, quyết đấu cho bằng được. “Cũng từ sau khi giá đất ở khu dân cư Bầu Được được người đấu “làm giá” mới, nên giá đất quanh đó cũng tăng vùn vụt”, chị Chi, người dân sống gần đó chia sẻ. Qua thăm dò từ vài tay kinh doanh đất, thay vì cách đây khoảng 1 năm, một 1m2 họ mua lại của người dân là 4,3 triệu đồng, thì nay đã nâng giá bán lên 10-11 triệu đồng/m2 tùy diện tích, vị trí.

Giá đất ở xã Hải Dương từ khi có thông tin đến lúc chính thức sáp nhập TP. Huế cũng tăng chóng mặt. Nhiều khu đất đưa ra đấu giá cấp quyền sử dụng đất chỉ vài trăm nghìn đồng/m2, nhưng kết quả đấu trúng có mức giá chênh lệch trên dưới 5 triệu đồng/m2 so với giá khởi điểm. Và qua nhiều lần sang tay đổi chủ, mức giá nhiều lô đất ở xã Hải Dương hiện giờ tầm trên dưới 8 triệu đồng/m2 và chưa có dấu hiệu chạm ngưỡng, dù giới đầu cơ hay người có nhu cầu thực sự đang dè chừng.

Việc giới đầu cơ “làm giá” qua các phiên đấu giá đất ở của Nhà nước, cộng với phong trào “người người mua đất, nhà nhà buôn đất” cũng là nguyên nhân khiến đất ở nhiều nơi tăng vùn vụt, nhiều khu đất ở làng bỗng dưng “dậy sóng”, “lên giá” thay vì lâu nay chẳng mấy ai quan tâm ngó ngàng. Cũng vì thế mà không ít chủ đất ở quê “khôn” lên và biết thức thời thét giá cao mỗi khi có khách đến hỏi. Giá đất “làng” nhiều nơi giờ không còn vài trăm nghìn mà đã tăng lên vài triệu đồng/m2, dù đất nằm sâu tận trong hóc hẻm, đường hẹp chỉ vừa đủ lọt 1 chiếc ô tô.

Ngay ở Phong Điền, từ khi có thông tin quy hoạch huyện lên thị xã trong một, hai năm tới, giá đất tại một số xã như Phong Thu, Phong Hiền, Phong An, Phong Mỹ, Điền Lộc... bắt đầu sốt và tăng giá. Nhất là tại những nơi có các công trình giao thông trọng điểm như tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tuyến đường cứu nạn cứu hộ nối từ thị trấn Phong Điền về Phong Chương và ra cầu cảng Điền Lộc...

Giải pháp bình ổn thị trường

Hiện, giá đất nhiều nơi tăng là do một số dự án (DA) nhà ở, DA khu đô thị đã và đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư như DA Khu dân cư Hương Vinh, Khu dân cư Tây Nam Quốc lộ 1A, Khu dân cư Thủy Vân, Khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 2, Khu đô thị hai bên đường Chợ Mai - Tân Mỹ… đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Cùng với đó là việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông một số khu vực trọng điểm như các DA trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và nhiều tuyến đường mới được triển khai kết nối vùng trung tâm TP. Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền... Ngoài ra, do hiệu ứng lan tỏa về việc điều chỉnh, sáp nhập địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế.

Thời gian này, nhiều khu đất ở tại khu vực nông thôn được đưa ra bán đấu giá cũng được định giá tăng. Chẳng hạn một số khu quy hoạch dân cư ở các xã thuộc huyện Phong Điền, Phú Lộc, Quảng Điền được đưa ra bán đấu giá có giá khởi điểm từ 4 triệu đồng/m2 trở lên. Nếu so với mức giá được nhà nước đưa ra đấu giá tại các khu đất ở như xã Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh (huyện Phú Vang) thời điểm cách đây khoảng gần 2 năm thì đã tăng gần gấp đôi, gấp ba. Tất nhiên giá đấu trúng tại các khu đất này lúc bấy giờ cũng tăng 50-80% mỗi lô so với giá khởi điểm.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, có một số khu vực giá đất chưa thể hiện đúng giá trị thực của khu đất, là kết quả của việc thổi phồng mức giá để thao túng thị trường của các đối tượng đầu cơ. Tuy nhiên, vẫn có những khu vực giá đất phản ánh đúng giá trị đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giá trị kinh tế - xã hội mang lại khi nhà nước đầu tư các công trình giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu (điện, nước…) hoặc mang giá trị BĐS kỳ vọng khi trong tương lai khu vực lân cận sẽ hình thành các khu đô thị mới, các khu nhà ở mới được đầu tư đồng bộ, khang trang.

Để kiểm soát thị trường BĐS, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí để Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh chủ trì, phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu xây dựng đề án phát triển thị trường BĐS tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện công khai thông tin về các dự án BĐS, quy hoạch, quỹ đất đấu giá tại địa phương, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân dễ tiếp cận, minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, để tránh thất thu thuế khi thực hiện chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng DA, chuyển nhượng vốn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1754 phê duyệt Đề án chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng BĐS trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, để tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cấp xã, các tổ chức hành nghề công chứng tăng cường tuyên truyền, động viên, khuyến khích người yêu cầu công chứng, chứng thực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về BĐS.

Ngày 28/9/2021, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 24 yêu cầu thủ trưởng, giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện một số nội dung về tăng cường các biện pháp chống thất thu thuế đối với lĩnh vực xây dựng nhà ở tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn

Lao động nông thôn và lao động thuộc các đối tượng đang hưởng chính sách trợ giúp đang chiếm tỷ lệ khá cao trong tỷ lệ lao động trên toàn tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về đào tạo nghề, tạo việc làm đã được thực hiện hiệu quả.

Hỗ trợ học nghề và việc làm cho lao động nông thôn
Nông thôn không còn… buồn tẻ

Trong khi “ông anh” công nghiệp - xây dựng một năm có vẻ thất bát thì nông nghiệp nổi lên với nhiều thành tựu rạng ngời. Những thông tin như lúa được mùa, được giá, giá bán cao nhất từ trước đến nay, có thể chúng ta sẽ vượt qua Thái Lan; các loại trái cây như vải thiều, đặc biệt là sầu riêng không đủ hàng để cung cấp cho ông “bạn hàng xóm” đông người; thanh long lấy lại vị thế trái cây tỷ USD; chuối năm ngoái chỉ xuất khẩu được 311 triệu USD thì năm nay tăng hơn gấp đôi, đạt 800 triệu USD. Xuất siêu của hàng nông sản đạt hơn 10 tỷ USD; riêng mặt hàng rau, củ, quả đã cán mốc hơn 5 tỷ USD… tạo nên sự tin cậy về sức vươn lên mạnh mẽ ở vùng nông thôn.

Nông thôn không còn… buồn tẻ
Hành trang khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn

Đồng hành, thúc đẩy và hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp là một trong những hoạt động được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai, nhằm chung tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, hướng đến phát triển kinh tế và nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn.

Hành trang khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn

TIN MỚI

Return to top