ClockThứ Tư, 17/01/2024 07:03

Giải pháp tăng thu từ đất

TTH - Từ đầu năm 2023 đến nay, thu tiền đất của tỉnh, các huyện, thành phố chưa đạt như kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách, nguồn chi cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
HN - Phú Thăng
  • HN - Phú Thăng

Thu hút đầu tư “xanh”Thành phố di sản & đặc thù dành cho HuếĐể doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởngVùng đất phía tây nhiều đổi thayTạo thế và lực khi lên thành phố trực thuộc Trung ương

 Thu từ quỹ đất phân lô bán nền tạo nguồn chi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Nhiều địa phương thu chưa cao

Thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) là các khoản thu ngân sách quan trọng. Tuy nhiên thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2023, phần lớn các địa phương thu không đạt theo kế hoạch đề ra từ quỹ đất phân lô đấu giá; thuê đất 1 lần; thu tiền sử dụng đất các dự án (DA)…

Đầu năm 2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch theo Quyết định số 404/UBND ngày 24/2 về đấu giá QSDĐ năm 2023. Theo đó, tỉnh tổ chức đấu giá 188 lô đất, với diện tích hơn 37.000m2, giá trị ước tính hơn 373 tỷ đồng. Tuy vậy chỉ đấu thành công 46 lô với diện tích hơn 7.300m2, với tổng thu chỉ hơn 206 tỷ đồng, đạt hơn 55% kế hoạch.

Có mấy nguyên nhân thu không đạt, ngoài ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, lãnh đạo ngành chức năng địa phương nhận diện, do một số quỹ đất phân lô trong kế hoạch thu tiền sử dụng đất có vị trí không thuận lợi, diện tích mỗi lô tương đối lớn. Đơn cử như khu biệt thự Quốc lộ 1A - Tự Đức dù đã thông báo đấu giá nhiều lần nhưng kết quả đấu giá đạt thấp (chỉ bán được13/49 lô). Hay, khu Bàu Vá giai đoạn 3, dù nhiều lần tổ chức đấu giá nhưng không có người tham gia.

Năm 2023, TP. Huế đưa vào đấu giá bán 82 lô đất, bình quân 100-200m2/lô, với giá trị ước thu khoảng 230 tỷ đồng. Tuy nhiên qua nhiều đợt tổ chức đấu giá trong năm 2023, TP. Huế chỉ bán được 13 lô, trị giá 37 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch tỉnh giao cho TP. Huế thu từ đất đấu giá là 150 tỷ đồng. Như vậy kế hoạch thu năm 2023 về lĩnh vực này chỉ đạt hơn 30%.

Ông Nguyễn Thắng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trên; trong đó do diện tích các khu đất đấu giá không thuận lợi, nằm xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu rất khó đấu giá; việc xây dựng đơn giá đất vào thời điểm thị trường “đất sốt” từ năm 2021 nên không sát với thị trường bất động sản (BĐS) “đóng băng” vào năm 2023, dẫn đến rơi vào cảnh “ế ẩm”. Với những khó khăn này, đồng nghĩa với nguồn thu ngân sách, nguồn chi cho phát triển KT-XH bị ảnh hưởng. TP. Huế đã có báo cáo phân tích những nguyên nhân khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để phấn đấu có nguồn thu từ việc đấu giá đất năm 2024 đạt kế hoạch cấp trên giao.

Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phong Điền thông tin, năm 2023 phần lớn nguồn thu ở địa phương từ việc phân lô bán nền, nhưng lĩnh vực này vẫn không mấy khả quan. Tính đến thời điểm giữa tháng 11/2023, địa phương này chỉ tổ chức đấu giá bán được 54 lô, với diện tích hơn 10 nghìn m2, với giá chưa đến 100 tỷ đồng, đạt khoảng 50% KH.

Khai thác nguồn thu còn dư địa từ đất

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn, việc khai thác các nguồn thu còn dư địa từ đất, như: thuế đất, tiền sử dụng đất, thuê đất để bù đắp khoản thu bị hụt, đồng thời tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển cần được tập trung.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, năm 2023, các sở, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, song thu ngân sách từ đất chưa đạt kỳ vọng. Theo phân tích của lãnh đạo Sở TN-MT, số thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch UBND tỉnh là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh đến doanh nghiệp; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tình trạng giải thể, tạm ngừng hoạt động có xu hướng tăng, nhiều DA đầu tư, DA BĐS bị đình trệ, chậm triển khai…

Theo lãnh đạo các sở, ngành liên quan, việc khai thác nguồn thu từ đất chưa đạt theo kế hoạch năm 2023 một phần do các quy định mới, nhu cầu thị trường; đồng thời cũng có sự chủ quan các sở, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động phối hợp hiệu quả. Thời gian tới, cần tăng cường khai thác các nguồn thu từ thuê đất, đất phân lô tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trong dân...

Riêng với đấu giá đất, giải pháp là Sở TN-MT xây dựng kế hoạch chi tiết các khu đất đủ điều kiện đấu giá, thời gian thực hiện. Tương tự, các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ngành đảm bảo điều kiện pháp lý cho các khu đất đấu giá; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các DA đầu tư hạ tầng quy mô lớn tại các khu công nghiệp, khu đô thị, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua đề ra nhiệm vụ, kế hoạch thu tiền sử dụng đất năm 2024 đạt 3,1 nghìn tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, nền kinh tế của tỉnh còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó các cấp, các ngành, địa phương phải quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn trong lãnh, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; trong đó có nhiệm vụ thu thuế từ đất. Đây nhiệm vụ quan trọng và phải có giải pháp từ xa, từ sớm. Các sở, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo nguồn thu và chống thất thu thuế. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu cấp trên ban hành các quyết sách tháo gỡ. Khai thác thu từ đất thông qua đấu giá QSDĐ, cho thuê đất cần phù hợp định hướng phát triển KT-XH và mong muốn của nhà đầu tư…

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng

3.400 lượng vàng đã trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ghi nhận trên thị trường, giá vàng đã giảm khá mạnh do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cũng như thông tin về đấu thầu vàng miếng thành công.

Tăng cung để hạ nhiệt giá vàng
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Return to top